Nguyên tắc liên kết ngôn từ
Ngài Francis Galton, một thiên tài kiệt xuất trong thế kỷ thứ XIX, phát
minh ra các bài trắc nghiệm tâm thần và hệ số tương quan về tâm thần, đã
phát triển kỹ thuật liên kết ngôn từ như là một tiêu chuẩn khả thi để đánh
giá sự khác biệt về trí thông minh. Trong bài thi trắc nghiệm về sự liên kết
ngôn từ, giám khảo đưa ra danh sách các từ, mỗi lần một danh sách, cho
một chủ thể trả lời với một từ đầu tiên nảy ra trong trí. Giám khảo ghi lại
câu trả lời và thời gian phản ứng của chủ thể. Kỹ thuật này không thành
công như tiêu chuẩn đánh giá trí thông minh, nhưng nó đã từng được áp
dụng rộng rãi trong các phạm vi khác của tâm lý học.
Jung đã sử dụng kỹ thuật liên kết ngôn từ để nghiên cứu các hiện tượng
vô thức và đem lại những thay đổi quan trọng cho bài thi trắc nghiệm.
Những sự thay đổi này đã được sử dụng rộng rãi như chính nó là một kỹ
thuật cơ bản. Sau mỗi lần phản ứng lâu, Jung hỏi các chủ thể lý do tại sao
lưỡng lự. Nói chung, bệnh nhân không biết lý do và thậm chí, không có ý
thức gì về việc đã lưỡng lự. Lúc đó, điều trở nên rõ ràng là các cảm xúc vô
thức giữ một vai trò quan trọng trong hiện tượng lưỡng lự. Jung cũng giới
thiệu kỹ thuật đánh giá các câu trả lời về sinh học trong bài trắc nghiệm
liên kết ngôn từ. Ông ghi lại sự hô hấp, tốc độ mạch, và tính dẫn điện của
da, đo lường hoạt động của hệ thống thần kinh tự trị. Những lần phản ứng
kéo dài được thấy kèm theo những thay đổi trong tiêu chuẩn đánh giá sinh
học, ủng hộ giả thuyết cho rằng các hiện tượng vô thức đang hoạt động.
Jung cho rằng, theo sau một số từ ngữ kích thích là lưỡng lự và những
thay đổi sinh lý kèm theo đã kích thích cái mà ông gọi là phức cảm trong
vô thức cá nhân. Ông lý luận rằng sự liên kết phải cung cấp một phương
pháp để xác định và nghiên cứu về các phức cảm của bệnh nhân. Khi một
phức cảm riêng biết đã được phát hiện qua sự liên kết từ, lúc đó Jung có thể
thảo luận phức cảm với bệnh nhân, đem các chất liệu vô thức vào ý thức,
nơi mà các chất liệu vô thức có thể được xử lý dễ dàng hơn trong phép
chữa bệnh.