CÁC ĐẶC TÍNH CẤU TRÚC: Ý NIỆM
Đối với nhà khoa học hay đối với cá nhân, về cơ bản thế giới là một mớ
hỗn hợp các thông tin và các sự kiện, hay theo lời lẽ của Kelly, một “tính
đồng nhất vô định hình”. Để áp đặt trật tự lên trên những sự hỗn độn thuộc
giác quan này, như chúng ta đã thấy trước đây, các nhà khoa học phát triển
các ý niệm vốn là các quan niệm được dùng để giải thích các hiện tượng mà
họ xử lý. Ví dụ, ý niệm “sự lo lắng” đem lại một cách hiểu về hành vi bồn
chồn, lúng túng, và cắn móng tay nhiều hơn bình thường của sinh viên cao
đẳng trong một kỳ thi.
Vừa lúc nhà khoa học hình thành các cấu trúc giúp hiểu những hiện
tượng, cá nhân phát triển các ý niệm cá nhân để giảm tính phức tạp của thế
giới xuống tới điểm mà nó có thể hiểu được. Lúc đó, ý niệm cá nhân là
cách giải thích hay phân loại con người và sự kiện trong thế giới thực
nghiệm của cá nhân. Như trong ví dụ trước của chúng ta, phân loại chính trị
gia là trung thực hay không trung thực. Các phạm trù hay các cấu trúc khác
có thể là công bằng – bất công, đẹp – xấu, và thành thạo – không thành
thạo.
Chức năng quan trọng của cấu trúc là chuẩn bị đề phòng các sự kiện.
Qua việc ứng dụng các cấu trúc hiện tại, cá nhân có thể tiên đoán hay dự
liệu và do đó kiểm soát, hay ít ra ảnh hưởng đến các sự kiện. Ví dụ, quyết
định rằng một người là trung thực (so với không trung thực) hay một tình
huống nguy hiểm (so với an toàn) giúp chúng ta dự liệu điều gì sẽ xảy ra kế
tiếp và thay đổi hành vi của chúng ta cho phù hợp. Dĩ nhiên, ý niệm có ích
nhất cho cá nhân khi nó đem lại sự đề phòng đúng các sự kiện, nhưng ngay
cả nếu không đúng, nó sẽ ảnh hưởng đến cách mà con người cư xử trong
một tình huống. Ví dụ, sinh viên cao đẳng có thể phân loại các kỳ thi là dễ
hay khó. Nếu kỳ thi môn toán sắp tới được xem là dễ, sinh viên có thể học
ít hơn, và cảm thấy lo lắng hơn nếu kỳ thi được tiên đoán là khó.