M. Bulgakov – nghệ thuật – số phận
Ðoàn Tử Huyến dịch
S
ố phận, có nghĩa là hiện diện những chi phối nằm ngoài các quyết
định chủ quan của con người (một người, một nhóm người hay cả một thể
chế). Và, số phận, có nghĩa là trong cuộc sống tinh thần, lẽ công bằng trước
sau rồi sẽ được thiết lập, đền bù, cho dù nhiều khi có muộn màng.
Vì vậy, nhắc đến M. Bulgakov tôi lại nhớ tới hai câu nói: “Habent sua
fata libelli” (Các cuốn sách có số phận của mình)
và “Рукописи не
горят” (Các bản thảo không cháy). Một của người xưa, một của chính M.
Bulgakov. Hai câu đều vận đúng cuộc đời, văn chương của ông, mà không
chỉ riêng ông – tất cả những văn nghệ sĩ và tác phẩm đích thực lớn tự cổ chí
kim.
Mikhail Afanasievich Bulgakov sinh ngày 15 tháng 5 năm 1891 tại
thành phố Kiev. Bố ông là giáo sư tiến sĩ thần học, biết nhiều thứ tiếng. Mẹ
ông cũng là người có học, con mục sư, trước khi lấy chồng đã từng dạy học.
Mikhail là con cả, từ nhỏ thông minh, được học hành chu đáo. Năm 1916,
sau khi tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Y khoa trường đại học Tổng hợp
Kiev, ông xin ra mặt trận của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất với tư cách
người tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ. ít lâu sau ông bị gọi về Moskva và
được cử đi phụ trách một bệnh viện nông thôn hẻo lánh ở Sưtrev. Từ đó bắt
đầu những năm tháng chìm nổi của nhà văn tương lai qua các vùng Viazma,
Vladikavkaz, Tiflix, Batưm, Kiev… Ðã từng bị bắt buộc theo bọn phỉ
Petlura, đã từng tham gia Hồng quân… Tháng 9 năm 1921, M. Bulgakov
đến Moskva, sống và làm việc tại đó cho đến cuối đời.
Trong những năm đói khát và sôi động sau nội chiến, cũng như nhiều
nhà văn khác vừa rời mặt trận đổ xô về Moskva – trong đó có cả những tên
tuổi về sau là chủ soái trên văn đàn Xô Viết như A. Phadeev và M.
Solokhov, – M. Bulgakov đã phải trải qua nhiều nghề để sống: thư kí Tiểu