Tày (mà sự kiện Thẩm Lé là tiêu biểu), nên, hình phạt với ngoại tình ở người Thái cũng là
khá nhẹ. Thực chất, người Thái khá ít khi xâm phạm đến tính mạng con người vì tội tình
dục, thậm chí cả loạn luân ở mức độ nặng. Việc giết hại người liên quan đến tội tình dục,
nếu có, chỉ là thiểu số ở một mường nào đó (như mường Lay). Riêng ở xã hội người Việt,
nhất là kể từ thời Lê, và cực đoan ở thời Nguyễn thì so với các xã hội tộc người, luật người
Việt tỏ ra khá tàn bạo với tội liên quan đến tình dục.
Ở đây, để làm rõ hơn vấn đề tôi thấy cần thiết phải XEN NGANG VÀI LỜI:
Không đi quá sâu vào vấn đề lí thú này, tôi chọn trình bày khái lược nhằm nắm bắt vài nét nghĩa lớn
để hiểu về xã hội H’mông. Như vậy, nhìn trong tổng thể chung, xã hội người H’mông khá phóng khoáng với
ngoại tình, một tội lỗi là vô cùng lớn với các tộc chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Điều này, nghĩa là xã hội
người H’mông cũng như phần lớn các tộc người thiểu số ở Việt Nam, khá gần gũi với thế giới Đông Nam Á
khai phóng tính dục, gồm cả người Việt (đây là nói trong so sánh với xã hội Hán). Người Việt trước thế kỷ
XIV, không chỉ trong dân gian mà ngay giới quí tộc thì "ngoại tình”/"tư thông" là khá phổ biến. Momoki
cung cấp các chi tiết chủ yếu từ phân tích Việt sử lược và Toàn thư (Momoki 2000, 2009), cho thấy tồn tại
mẫu hình (hoàng) thái hậu tư thông với đại thần từng tồn tại phổ biến, như Lê Hoàn (nhờ) tư thông với bà
thái hậu họ Dương (sau này trong một vở kịch hiện đại có thêm cái tên Vân Nga) mà lên ngôi báu sau khi
Đinh Bộ Lĩnh mất; Đỗ Anh Vũ (nhờ) tư thông với Linh Nhân thái hậu (Ỷ Lan) mà thoát tội chết trong mưu
phản với Anh Tông; Mạc Hiển Tích (nhờ) tư thông với Đỗ thái hậu (Thụy Châu) mà có lần thoát tội... Thậm
chí, đầu thế kỷ XIII, có thể xuất hiện một công chúa (Thiên Cực công chúa
Vương Thượng) đã tư thông với một viên quan tên Phạm Du trên đường đi công cán (tháng 7 âm lịch 1209).
Sau đó, nàng Thiên Cực đa tình lại tư thông với Tô Trung Từ (tháng 6 âm lịch 1211) dẫn đến cái chết của
ông này vì bị Vương Thượng giết. Sử liệu nhiều khi cũng "cắc cớ", ghi rõ cả năm tháng mấy chuyện ngoại
tình! Momoki cho biết sở dĩ các bà, các cô quí tộc có thể "tự do tình dục" chính bởi họ sở hữu tài sản riêng
và địa vị chính trị quan trọng để có thể "tự tung tự tác". Bằng chứng là, không có một hình phạt nào được ghi
lại về chuyện ngoại tình của các nữ quí tộc trên. Đúng như Momoki nhận định, "tư thông" là sáng tạo của
nhà nho về sau, chứ vào bối cảnh văn hóa thời ấy, thì trò "trai gái" là lẽ thường, một đặc điểm phổ biến của
cơ chế bản địa Đông Nam Á. Các tộc người, ở đây là người H’mông với cấu trúc xã hội tương thích với cơ
chế tự do tính giao chính là một sự củng cố cho luận điểm khai phóng tính dục của Đông Nam Á.