Gia đình H’mông, một thực thể khép kín tự trị, với sự chủ động về kinh tế hộ gia đình
độc lập, vững chắc (tương đối) với tôn ti, trật tự đã cố định giữa các thành viên, nhưng
đồng thời, lại linh động do không có mối ràng buộc với các quyền lực bên ngoài như người
Việt với làng xã của họ. Điều này, cho phép gia đình H’mông dễ dàng du cư tìm đất mới.
Chỉ cần khi nào người H’mông cảm thấy di dân là cần thiết thì bước chân họ lên đường.
Với người H’mông, chỉ có gia đình và dòng họ - những quan hệ huyết tộc nối dài (và vì thế,
cái siêu gia đình này) mới thực có vai trò lớn lao trong cuộc đời liên tục di chuyển của
người H’mông. Di cư hộ gia đình H’mông, vì thế, thường cũng gắn bó chặt chẽ với số phận
di cư của siêu gia đình H’mông - di cư của cả dòng họ. Một dòng họ có khi lập thành một
làng riêng biệt, và các làng H’mông, ban đầu bao giờ cũng được tạo dựng bởi một dòng họ
H’mông nào đó, như Lí Lao Chải là tên làng cũ họ Lí, Giàng Tả Chải là tên làng lớn của
dòng họ Giàng (Giàng Seo Gà 2004: 30)