giữa những hữu thể kia và thế giới khả giác”
. Ta không biết gì về bản
chất tự thân của linh hồn, nhưng ta biết những hành vi của linh hồn xét như
linh hồn là chủ động những hành vi của con người sinh hoạt trong thế giới
hiện tượng. Tại sao Kant nghĩ ta không thể có tri thức xác định về những
thực thể siêu hình như linh hồn và Thượng Đế ? Chỉ vì các thực tại đó
không trở thành đối tượng cho cảm giác ta, mặc dầu ta có quan niệm, bởi đó
không trở thành đối tượng cho tri thức thực sự; còn như nếu ta quan niệm
các hữu thể đó qua những biểu tượng vay mượn nơi các sự vật trần gian, thì
đó không còn là những vật tự thân nữa và cũng không siêu việt nữa.
Tính chất lưỡng nan của siêu hình học (vừa cần phải được ta chấp nhận,
vừa không thể trở thành tri thức thực sự) chính là cái làm nên đặc tính của
tri thức siêu hình, một tri thức không xây trên những sự kiện thiên nhiên và
tất định, nhưng xây trên chữ “PHẢI”: phải làm như thế, phải có như vậy...
mới được. Không có cái phải này, sẽ không có tự do và cũng không còn bản
tính tự do nơi con người nữa. Nhưng nói “phải làm”, “phải có” là nói một
điều tự quyết, và một chấp nhận tự do, chứ không giống cái kiểu chấp nhận
tất yếu nơi tri thức khoa học thực nghiệm. Lãnh vực siêu hình học là một
thực tại vươn lên khỏi thế giới hiện tượng của luật tất định để đạt tới thế
giới của cái “phải” (devoir).
Khoa Siêu hình học của Kant sẽ xây trên nhận định căn bản này.