11. Vua Lý Thái Tông với việc chống hàng ngoại
Bệnh sính dùng hàng ngoại ở nước ta, kể ra cũng đã có từ rất lâu. Những
mặt hàng ta chưa sản xuất được nên phải mua về thì đã đành, nhưng những
mặt hàng ta đã sản xuất được, thậm chí là sản xuất với chất lượng cao hơn
mà vẫn bị những kẻ có đầu óc sùng ngoại thái quá tìm cách nhập vào, quả
là đã gây nguy hại cho quốc kế dân sinh không ít. Thời Lý, chuyện này đã
từng xảy ra và vua Lý Thái Tông từng xử lí rất khôn khéo. Sách Đại Việt sử
kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 28-b) chép như sau:
“Tháng 2 (năm Canh Thìn-1040) Vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc.
Tháng ấy, (Vua) xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho
để ban cho các quan. (Các quan) từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng
gấm, từ cửu phẩm
trở lên thì được ban áo bằng vóc. (Nhà vua) làm vậy để
tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có
cái tốt nữa.(Vua) không quí vật lạ, (ấy là) muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới”.
Các sử thần thời Nguyễn, tác giả của bộ Khâm định Việt sử thông giám
cương mục (Chính biên, quyển 3, tờ 1) thì phê ngay một chữ rất gọn:
Được!
Lời bàn
Muốn dân chăm nghề canh cửi, trước quí tộc phải làm gương. Cung nữ
mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt vải là thấp hèn. Muốn khắp
thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương. Đấng chí tôn mà
còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó
là mặt hàng chả ra gì.
Vua Lý Thái Tông ít nói, ít để chí ở sự lập ngôn, chỉ lo lòng làm gương
cho thiên hạ. Xem ra, gương ấy không phải chỉ sáng một đời cho quan dân
một thời, nay đọc lại sử, thấy cũng đáng suy ngẫm lắm thay!