44. Cái dũng của Lê Cư Nhân
Lê Cư Nhân sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải ba đời
vua là Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Hiến Tông (1329-1341) và Trần
Dụ Tông (1341-1369), nổi tiếng là bậc chính trực và liêm khiết. Thời Trần
Minh Tông, tuổi tuy còn trẻ nhưng ông đã làm quan đến chức Tông chính
đại khanh, từng cả gan chê quan Hành khiển Trương Hán Siêu làm chính trị
chẳng khác gì thôn cầu cước (nghĩa là chân đá cầu nhà quê, sai nhiều mà
đúng chẳng bao nhiêu).
Năm Trương Hán Siêu mất (1354) cũng là năm Lê Cư Nhân qua đời.
Nhân việc này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tời 18 a) có
chép lại một mẩu chuyện nhỏ về ông, gọn gàng mà sâu sắc như sau:
“Cư Nhân hồi vua Minh Tông còn trị vì, giữ chức Nội mật, lại kiêm cả
việc Thẩm hình. Có lần Cư Nhân tra xét án ngục ở nhà, bị quan Trung úy
là Quách Lao hặc lỗi. Vua Minh Tông hỏi ông rằng sao không tránh đi.
Ông trả lời rằng, thần thà chịu trách phạt chứ không dám lừa dối. Làm quan
mà lừa dối thì làm sao mà thống lĩnh được liêu thuộc của mình. Xem những
lời ông chê người khác và những lời ông tự nhận lỗi, cũng đủ biết ông là
người ra sao. Khi mất, ông được truy tặng chức Nhập nội Hành khiển Hữu
ti, Lang trung, Đồng tri Tả ti sự
Lời bàn
Hành khiển là chức quan thuộc hàng đầu triều, uy quyền lớn lắm. Quan
Hành khiển Trương Hán Siêu là bậc văn tài xuất chúng, người mà cả đến
vua Trần cũng gọi bằng thầy, thì uy quyền lại còn lớn hơn nữa. Lê Cư Nhân
chỉ sợ điều đúng chớ không sợ quan to nên mới dám chỉ trích quan Hành
khiển Trương Hán Siêu. Tra xét án ngục tại nhà thì làm sao mà tránh được
lời đàm tiếu thị phi của thiên hạ? Lê Cư Nhân không tránh mặt Quách Lao
là sự thường, nhưng ở đời, kể đã mấy ai làm được sự thường ấy.