17. Vinh và nhục của Hồ Tùng
Hồ Tùng tức Trần Tùng, vì trước đó, ông từng một lòng một dạ lo giúp
rập Hồ Quý Ly, lại từng lập được nhiều công lao trong các cuộc giao tranh
với Chiêm Thành nên ông được mang quốc tính, đổi làm họ Hồ. Ở thời
ông, như thế cũng có thể gọi là vinh. Bạn đồng liêu với ông, chưa dễ mấy ai
có được.
Tiếc thay, vinh chẳng lớn bằng nhục. Người ban quốc tính cho ông là Hồ
Quý Ly mà người ra lệnh giải chức rồi bắt giết ông cũng là Hồ Quý Ly.
Đành Quý Ly vốn tính tàn bạo, nhưng xem ra trong việc cụ thể này, Quý Ly
cũng có cái lí cần được ghi nhận của Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư
(bản kỉ, quyển 8, tờ 46-b) chép rằng:
“Quý Ly giết viên tướng quân cũ là Hồ Tùng. Trước đó, Tùng đã bị giải
chức, bèn xin bán các đồ khí giới của nhà mình (nhưng Hồ Quý Ly) không
cho, vì có ý muốn dùng lại. Sau, Tùng lén thông dâm với vợ của cố Hành
khiển Lương Nguyên Bưu (một trong số hơn 370 người bị Hỗ Quý Ly giết
hại vào năm Kỉ Mão, 1399 – ND) là con gái của Trần Quý. Quý Ly tức giận
nói: “Bọn tài giỏi đều từ cửa nhà Tùng mà ra”.
Tùng cùng với người Chiêm đã đầu hàng là Chế-sơn-nô âm mưu làm
phản, ngầm liên kết với người Chiêm Thành để trao đổi tin tức cho nhau.
Việc bị lộ, Tùng và con gái Quý đều bị xử tử”.
Lời bàn
Xin bán đồ khí giới của nhà mình, chừng như Hồ Tùng muốn tỏ sự giận
hờn của kẻ võ biền bị thất thế nhiều hơn là sự khảng khái của đấng trượng
phu gặp lúc thất sủng.
Thông dâm với vợ của cố Hành khiển Lương Nguyên Bưu, Hồ Tùng đã
tự cho thấy ông chẳng còn muốn giữ gìn nhân cách làm gì nữa. Quý Ly tức
giận, ấy cũng là sự thường, song, câu nói lúc tức giận này của Hồ Quý Ly
sao mà chẳng ăn nhập gì với lỗi lầm của Hồ Tùng cả. Chừng như Hồ Quý
Ly nói lời ganh tị với tài trí của tướng quân Hồ Tùng chứ không phải nói
lời phiền trách sự sa đọa của Hồ Tùng.