những thất bại của mình là lý do để cam kết lại, nhắc nhở họ tập trung lại
vào các mục tiêu với quyết tâm cao hơn. Norcross nói: “Những người
không thành công nói rằng phải làm lại là một bằng chứng rõ ràng chứng tỏ
họ không thể làm việc đó.”
73. Mù quáng tin rằng thành công là một điểm đến
Huấn luyện viên Pat Riley đã giúp đội bóng của ông giành được nhiều chức
vô địch giải NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia). Trong cuốn sách The
Winner Within (Nội lực chiến thắng) của mình, ông viết: “Sự tự mãn là rào
cản cuối cùng mà bất kỳ người chiến thắng hay đội bóng nào cũng phải
vượt qua trước khi phát huy được tiềm năng to lớn của mình. Tự mãn là căn
bệnh của thành công: nó ăn sâu bám rễ khi bạn cảm thấy thoả mãn về bản
thân và những gì mình đã đạt được.” Điều này thật nghịch lý, nhưng thành
công trong quá khứ có thể chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của thành công
trong tương lai.
Tháng 02 năm 2006, tôi và một vài người bạn được mời đi xem giải Super
Bowl trên một chiếc máy bay riêng. Tôi ngồi cạnh Lester Woener, chủ nhân
chiếc máy bay, là một doanh nhân rất thành công. Ông bắt đầu đầu tư vào
bất động sản khi còn ở tuổi thiếu niên, góp phần xây dựng nên một trong
những công ty kinh doanh cỏ nuôi ngựa tốt nhất trong nước khi ở độ tuổi
đôi ba mươi, và giờ đây, khi hơn 40 tuổi ông là Chủ tịch của Woener
Holdings với các hoạt động đầu tư trong nông nghiệp, bất động sản và bảo
hiểm tài chính. Trong buổi nói chuyện, một trong những câu hỏi tôi đặt ra
cho ông là làm thế nào ông duy trì được thành công sau khi đã đạt được nó.
Lester miêu tả thời điểm ông nhận ra mình đã “làm được nó”, và ông bắt
đầu suy nghĩ việc tiếp theo là gì. Lester giải thích: “Tôi bắt đầu thay đổi.
Tôi đi từ việc nghĩ tại sao không với mọi cơ hội đã đến với tôi tới việc nghĩ
nhưng tại sao khi một cơ hội xuất hiện. Và tôi đã mất đi sự thèm khát.”