thế sẽ dễ hiểu nếu các tuyển thủ hoài nghi về khả năng chiến thắng. Có thể
họ đang nghĩ danh hiệu vô địch sẽ thuộc về đội tuyển khác, chứ không
thuộc về họ. Và trên tất cả, những tay nhà báo thể thao, những người được
gọi là chuyên gia đang "nhồi" cho họ niềm tin rằng họ còn quá non kinh
nghiệm.
Một tối nọ, tôi gọi họ vào phòng thay đồ và bảo họ đừng để ý đến những lời
bi quan, tiêu cực xung quanh. Tôi hỏi họ: "Tại sao không phải là chúng ta?
Tại sao không phải là bây giờ?". Sau này, câu nói này trở thành lời hô hào
cổ vũ tinh thần trong những trận chiến quyết định của chúng tôi. Chúng tôi
dán câu khẩu hiệu đó trong phòng thay đồ. Trên thực tế, tôi đã dán câu khẩu
hiệu đó lên tường nhà mình và vẫn nhìn vào đó như một nguồn khơi dậy
niềm cảm hứng. Đội Magic không đoạt cúp vô địch giải bóng rổ nhà nghề
Mỹ (NBA) năm đó, nhưng tôi nghĩ mình đã giúp các cầu thủ tin vào bản
thân nhiều hơn và cho họ biết tôi tin ở họ.
"Tại sao không phải là chúng ta? Tại sao không phải là bây giờ?", câu
khẩu hiệu mang ý nghĩa ta nên tin tưởng mình có thể thành công; ta có thể
chiến thắng, thành đạt, thành công với mục tiêu đề ra. Để được như vậy, ta
phải bắt đầu ngay bây giờ, bởi nếu cứ do dự, ta sẽ không bao giờ làm được
chuyện gì.
Con cái chính là đối tượng cần được nghe nhiều nhất câu nói "Ba/Mẹ tin ở
con". Việc khuyên răn và chỉ bảo con cái gởi đi bức thông điệp rằng chúng
ta tin tưởng chúng. Khi con mang bảng theo dõi kết quả học tập về nhà, vợ
chồng tôi không bao giờ làm ầm ĩ lên vì điểm số thấp. Chúng tôi hỏi han
con tại sao điểm số lại bị tụt như vậy và bàn xem làm cách nào để cải thiện
kết quả học tập. Chúng tôi muốn các con hiểu chúng tôi luôn tin tưởng
chúng có thể làm được tốt hơn và khích lệ chúng nỗ lực hết sức mình. Bằng
hành động và lời nói, chúng tôi củng cố niềm tin ấy ở chúng, rằng: "Con có
thể làm được. Ba mẹ tin ở con".