cân nhắc kỹ lưỡng, rồi hồi âm nhanh chóng".
Triệu Vương xem thư xong vô cùng sợ hãi, bèn cho tập hợp quần thần lại, nói :
- Quả nhân có đâu lại bảo vệ cho một đại thần đang bỏ trốn của nước khác, để đánh đổi một vị "Trấn
công tử" (tức công tử Trấn Quốc) của quả nhân ?
Dứt lời, nhà vua bèn phát binh đi bao vây phủ riêng của Bình Nguyên Quân, lục soát để tìm Ngụy Tề.
Các tân khách ở trong nhà của Bình Nguyên Quân có mối giao hảo tốt với Ngụy Tề, nên khi nghe tin,
họ bèn để cho Ngụy Tề giữa đêm bỏ trốn, đến phủ riêng của Tướng quốc Ngu Khanh tạm trú. Ngu
Khanh bèn nói với Ngụy Tề :
- Triệu Vương sợ Tần chẳng khác chi sợ cọp, không thể dùng lời nói để làm thay đổi ý định của nhà
vua được. Vậy chi bằng hãy đến Đại Lương để nương nhờ Tín Lăng Quân. Tín Lăng Quân là người
luôn chiêu hiền đãi sĩ. Những người bỏ trốn một tai họa gì đó khắp trong thiên hạ, thường đến nương
nhờ, và được Bình Nguyên hậu đãi, che chở. Nhưng tất nhiên ngài không thể bỏ trốn một mình, mà tôi
sẽ cùng đi với ngài.
Nói dứt lời, Ngu Khanh bèn cởi chiếc ấn đeo trong mình ra, viết thư tạ lỗi với Triệu Vương, rồi cùng
Ngụy Tề lén ra ngoại ô. Ngu Khanh an ủi Ngụy Tề :
- Tín Lăng Quân là người đại trượng phu, hào phóng, chúng ta đến đó nương nhờ chắc chắn sẽ được
nghênh đón ngay, tuyệt đối không bao giờ để cho chúng ta chờ đợi lâu cả.
Ngu Khanh đi bộ đến trước cửa phủ Tín Lăng Quân, nhờ người vào trong thông báo. Tín Lăng Quân
thấy khách đến là Thừa tướng của nước Triệu, hết sức kinh ngạc, vội vàng mời vào phủ bày tiệc tẩy
trần. Đồng thời, hỏi Ngu Khanh đến Ngụy là có chuyện chi. Ngu Khanh đang nôn nóng, nên kể đại lược
chuyện Ngụy Tề đắc tội với nước Tần và chính mình đã bỏ ấn Thừa tướng để đưa ông ta tới đây cho
Tín Lăng Quân nghe. Nghe xong, vì sợ nước Tần, nên Tín Lăng Quân có vẻ khó xử. Ông không muốn
để cho Ngụy Tề được vào phủ riêng của mình, nhưng lại thấy Ngu Khanh đã từ nghìn dặm tìm tới đây,
thật không tiện từ chối. Vì thế mà Tín Lăng Quân tỏ ra do dự, chưa quyết định dứt khoát.
Ngu Khanh nhìn thấy sắc mặt của Tín Lăng Quân có vẻ khó xử, không muốn tiếp nhận mình, nên cả
giận bỏ đi. Tín Lăng Quân bèn hỏi các xá nhân trong phủ:
- Ngu Khanh là người như thế nào ?
Một xá nhân là Hầu Sinh đang đứng bên cạnh, cười to nói :
- Chả lẽ công tử không nhận ra hay sao ? Ngu Khanh đã dùng tài ăn nói của mình, tranh thủ được chức
vị Thừa tướng của nước Triệu, lại được phong làm Vạn Hộ Hầu. Nay Ngụy Tề vì cùng đường nên
phải tới nương nhờ Ngu Khanh, được Ngu Khanh không màn tước vị lợi lộc, cởi bỏ ấn Thừa tướng ra
đi để tìm cách giúp đỡ cho Ngụy Tề. Thử hỏi trong đời này có mấy ai được như thế ? Công tử chả lẽ
không nhận ra ông ấy là người hiền hay không hiền sao ?