10 ĐẠI MƯU LƯỢC GIA TRUNG QUỐC - Trang 300

- Sau những ngày tuyết sương, tất nhiên phải đến ngày Xuân ấm áp. Hiện nay uy quyền của đất nước đã
được củng cố, vậy phải dần dần có phép cai trị khoan dung. Vì đời sống của người dân phải được
chăm sóc một cách nhân ái, cho nên phải lấy lòng nhân để cai trị dân. Từ các triều đại Tống, Nguyên,
pháp chế tuy có nhưng thực ra cũng như không, buông lỏng quá lâu ngày. Giờ đây trước hết cần phải
chỉnh đốn kỷ cương, ban hành pháp điển, rồi mới có thể thi hành việc cai trị nhân ái được.

Lưu Cơ lấy tư tưởng "Nhân chính" truyền thống của Nho gia để làm cơ sở lý luận cai trị nước. Ông
cho rằng phép cai trị đất nước, phải dùng song song một thể chế cai trị nhân đức, đi đôi với việc dùng
hình pháp để răn đe, nhưng phải lấy cai trị nhân đức làm chủ đạo. Trước tiên, ông phản đối dùng
phương thức hung bạo, tàn nhẫn, mà đối với bá tánh phải có lòng nhân ái. Đồng thời ông cho rằng cai
trị theo thể chế nhân đức, cũng cần phải có pháp luật nghiêm minh để đảm bảo. Mục đích sử dụng hình
pháp là để không sử dụng hình pháp nữa. Một khi có pháp luật thì phải tuân theo. Việc chấp pháp phải
nghiêm minh để cho mọi người đều sợ, để từ đó xây dựng trật tự thống trị của chế độ phong kiến.

Ông đã có những chủ trương rõ ràng như thế về mặt lý luận, và trong thực tế, ông cũng làm đúng như
vậy.

Ông đã giúp Chu Nguyên Chương thẩm định lại một số án oan đã tồn đọng từ nhiều năm qua, và đã
tiến hành minh oan rửa nhục cho những người đó. Ông cũng đã cứu một toán tù nhân thoát chết, do nhà
vua nằm mộng nên muốn giết họ để giải tỏa cơn ác mộng của mình như đã nói trên. Từ đó, Thái Tổ ủy
thác cho Lưu Cơ xử lý tất cả những vấn đề tội phạm quan trọng. Lưu Cơ cố gắng xét xử họ bằng một
thái độ khoan dung để lung lạc và ổn định nhân tâm.

Ngoài ra, Lưu Cơ còn xin với Hoàng đế chấn chỉnh lại pháp luật, định ra những pháp chế mới, để ngăn
chặn việc tùy nghi xử tội lương dân, và cũng nghiêm cấm việc lạm sát những người vô tội. Chu
Nguyên Chương xuống lệnh thực thi những đề nghị của Lưu Cơ. Ít lâu sau, Lưu Cơ đã thảo ra nhiều
pháp lệnh và trở thành cơ sở để sau này triều đại nhà Minh đưa vào đó mà lập pháp. Bộ "Đại Minh
Luật” được ban bố hồi năm thứ ba mươi niên hiệu Hồng Võ, chính là dựa trên cơ sở của nhưng pháp
lệnh này để tu chỉnh hoàn thiện.

Tháng tư lịch nhà Hạ, tức niên hiệu Hồng Võ nguyên niên (1368), trong dịp bắc phạt Trung Nguyên
thắng lợi, chiếm được Sơn Đông và Hà Nam. Chu Nguyên Chương từ Ứng Thiên (Nam Kinh) đi Biện
Lương (Khai Phong), để đại hội các tướng bắc phạt, nghiên cứu chiến cuộc và bố trí những bước đánh
chiếm Đại Đô của nhà Nguyên. Nhà vua để Lưu Cơ và Lý Thiện Trường ở lại giữ Nam Kinh.

Lúc bấy giờ Lưu Cơ đang giữ chức Ngự Sử Trung Thừa, tức một trưởng quan tại Ngự Sử Đài, có
nhiệm vụ lãnh đạo các giám sát ngự sử để phát hiện những hành vi phi pháp, trái luật của các quan lại.
Lưu Cơ cho rằng cuối hai triều Tống và Nguyên do kỷ cương không nghiêm, nên dẫn đến bị mất thiên
hạ. Do vậy ông yêu cầu các ngự sử quan phải chú ý phát hiện những hành vi trái pháp luật của quan
lại, và phải thực tâm tra xét để xử lý. Bất luận người vi phạm pháp luật có quyền thế đến đâu, có chức
tước cao đến đâu cũng mặc. Nếu những cận thần có nhiệm vụ túc trực bảo vệ triều đình mà phạm pháp,
thì ông trước tiên báo cáo lên cho Hoàng Thái Tử biết, rồi mới định theo pháp luật mà trị tội. Mọi
người đều khiếp sợ trước việc chấp pháp nghiêm khắc của Lưu Cơ, nên không dám vi phạm pháp luật
một cách bừa bãi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.