- Không phải lão thần không muốn góp ý với Đại vương. Chẳng qua việc truyền ngôi là chuyện quốc
gia đại sự, chỉ có thể do Đại vương tự quyết định. Nếu người ngoài tham dự, e rằng sẽ để lại hậu quả
khó lường. Nhưng, nếu Đại vương nhất định vấn kế nơi lão thần, thì lão thần xin mạo muội nói lên ý
kiến của mình, mong Đại vương bảo mật đừng bao giờ nói cho ai biết.
Văn Vương lộ sắc vui mừng, nói :
- Đó là điều tất nhiên rồi.
Thái Công nói :
- Thái tử Cơ Phát là người trung hậu, nhân đức, vũ dũng kiên cường, thao lược hơn người nếu được
lập làm Thái tử, thì đó là cái phúc của Đại vương, điểm lành của nhà Châu vậy. Đại vương có thể viết
di chiếu nói rõ, lập Thái tử Cơ Phát lên làm “Trữ Quân” (vua chờ lên ngôi - ND). Đồng thời, tuyên bố
bãi bỏ chế độ “anh chết thì em nối ngôi”. Phải chỉ rõ đấy là nguyên nhân gây rối loạn của các triều đại
Ân Thương, đồng thời, cũng ra lệnh nói rõ chế độ thừa kế của nhà Châu từ nay về sau là chế độ “đích
trưởng thừa kế”. Tức sau khi Cơ Phát qua đời, thì con trưởng nam của Cơ Phát sẽ lên nối ngôi vua. Cứ
thế mà kéo dài mãi, thì có thể tránh được nhiều chuyện rắc rối trong vấn đề nối ngôi. Riêng nhóm Thúc
Tiên, Thúc Độ, Thúc Xứ... thì có thể phong cho họ làm chư hầu ở một vùng đất xa, khiến họ phân tán,
không cho họ tham gia việc triều chính. Như vậy thì họ sẽ khó gây ra những cuộc biến loạn. Riêng hai
người em của Thái tử là Đán và Thích, đều là những người quân tử, hoàn toàn có thể tin dùng. Vậy hãy
để cho họ cùng phụ tá Thái tử. Sắp xếp như thế thì tuyệt đối không xảy ra điều gì đáng tiếc cả.
Văn vương cả mừng, nói :
- Những lời nói trên đúng là những lời nói từ tâm can, những lời nói quý giá, vậy xin Thái Công nói
lại cho Thái từ biết, ngày mai hãy thiết triều rồi mời tất cả các thành viên trong vương thất, cũng như
các văn võ đại thần hội họp để tôi có lời tuyên cáo.
Dựa theo ý chỉ của Văn Vương, triều đình nhà Châu tổ chức một buổi họp triều cuối cùng của nhà vua,
để giải quyết vấn đề người nối ngôi, công bố chế độ kế thừa ngôi vua sau này, cũng như việc phong đất
cho các con.
Văn Vương ngồi tựa lưng trên một tấm chăn dầy, còn Khương Thái Công thì đứng bên cạnh, phía dưới
có Thái tử Cơ Phát và đại phu Tán Nghi Sinh.
Tán Nghi Sinh chịu trách nhiệm ghi chép, còn những người tham gia họp triều khác như Thúc Tiên,
Thúc Đán, Thúc Độ, Thúc Võ, Thúc Xứ, Thúc Chân Đạc, Thúc Khang, Thái Tôn Kiếm, Bá Cầm, Thứ
Tử Thích, Nam Cung Thích, Quần Thiên, v.v... thì đứng theo thứ tự.
Văn Vương đưa mắt ngó quanh các con cháu một lượt, rồi từ từ nhìn về Thái Công, nói :
- Ta phó thác chuyện quốc gia đại sự cho Thượng Phụ Khương Thái Sư, vậy nếu có ai trong số các
ngươi trái lệnh, thì sẽ do Thượng Phụ bàn bạc để xử phạt.