CON KHỈ
Có cụ già phong thái tiên nhân đi vào một thôn nhỏ dưới chân núi Hymalaya, ông tuyên bố
với tất cả dân làng rằng mình biết một phép thuật biến đá thành vàng. Nhưng, trên đời này không
có gì là miễn phí, ông ta nói người muốn học phép thuật này trước tiên phải đem đồ vật đắt tiền
nhất trong nhà ra làm học phí.
Dân làng rất nghèo, từ trước đến nay luôn mong được phát tài. Vì vậy họp nhau lại cùng thảo
luận, họ nghĩ muốn học được phép thuật, phải hy sinh một chút làm học phí thì đâu có vấn đề gì.
Vì vậy họ gom tiền lại đưa cho ông lão làm học phí, tập trung nghe ông ta dạy phép thuật
thần kỳ. Chỉ nghe thấy ông lão nuốt nước bọt ừng ực niệm một tràng thần chú, sau đó biến viên
đá trong cái thùng gỗ thành một cục vàng lóng lánh.
— Mau dạy chúng tôi đi! - Mọi người đều nói như vậy.
Ông lão không nề hà dạy lại họ câu thần chú đó, khi người ngu nhất trong làng cũng có thể
thuộc nằm lòng câu thần chú, ông ta rất hài lòng nói cho họ biết:
— Mọi người đợi sáng mai khi mặt trời mọc có thể bắt đầu dùng phép. Tôi đảm bảo mọi
người đều có thể biến những hòn đá vô dụng thành những cục vàng sáng láng, có điều, phải nhớ,
khi niệm chú, trong đầu không được nghĩ đến con khỉ ở núi Hymalaya.
— Tuyệt đối không được? - Cả làng nghi hoặc lặp lại.
Vàng có quan hệ gì con với khỉ ở núi Hymalaya chứ? Ông già thật là vô vị, họ đâu có nghĩ
đến con khỉ của Hymalaya? Vì sao phải nghĩ đến nó? Nhưng một nghìn năm qua đi, có người
nói, nếu như bây giờ bạn đến thôn này, bạn sẽ thấy có không ít người đem hòn đá đặt vào thùng
gỗ lầm rầm niệm thần chú, “nỗ lực” không nghĩ đến con khỉ ở Hymalaya. Họ không bao giờ
niệm ra vàng, nhưng không ai trách ông lão kia nói dối, bởi vì mỗi người đều thừa nhận, họ càng
không muốn nghĩ đến con khỉ thì lại càng nghĩ về nó.