CAO THỦ CÂU CÁ
Nước Sở có một cao thủ câu cá tên Chiêm Hà, ông ta câu cá không giống mọi người; dây câu
chỉ là một sợi tơ, lấy cây cỏ chè vè uốn lại làm lưỡi câu, cần câu là một cành trúc. Khi câu, ông ta
dùng nửa hạt cơm đính vào lưỡi làm mồi. Chỉ trong thoáng chốc, Chiêm Hà đã câu được đầy một
xe cá! Nhưng kỳ lạ là, dù câu nhiều như thế, nhưng dụng cụ câu cá của ông ta không hề bị biến
dạng; dây câu không bị đứt, lưỡi câu không bị thẳng, thậm chí cần câu cũng không bị cong!
Sở Vương nghe tin Chiêm Hà có kỹ thuật câu cá cao siêu như thế lấy làm hiếu kỳ, liền phái
người mời vào cung, hỏi bí quyết câu của ông ta. Chiêm Hà đáp:
— Tôi nghe người cha đã mất nói, nước Sở trước đây có một cao thủ bắn chim tên gọi Bồ
Thư Tử, ông ta chỉ cần kéo nhẹ dây cung, mũi tên đã lao đi vun vút, hơn nữa một mũi tên có thể
bắn trúng hai con chim hoàng bằng đang bay trên trời. Cha nói, bởi vì ông ta chuyên tâm, dùng
lực đều. Do đó, tôi đã dùng cách của ông để câu cá, sau năm năm luyện tập, cuối cùng đã tinh
thông kỹ thuật này. Mỗi khi đến bờ sông câu cá, toàn tâm toàn ý chú ý vào việc câu cá, hoàn toàn
không nghĩ đến việc khác, tâm tình tĩnh lặng, loại bỏ ý nghĩ đen tối. Một khi quăng cần câu, lực
dùng vừa phải, không nặng cũng không nhẹ, hoàn toàn không tác động gì đến môi trường xung
quanh. Như thế, cá nhìn thấy mồi câu của tôi, tưởng rằng đó là cặn bã hay bọt nước mà thôi, thế
là chúng không ngần ngại bơi đến đớp mồi. Bởi vì, khi câu cá, tôi luôn lấy nhu chế cương, lấy
khinh làm trọng.
Câu chuyện Bồ Thư Tử bắn chim và Chiêm Hà câu cá đều nêu ra một đạo lý chung: Bất luận
làm việc gì, đều phải toàn tâm toàn ý, không được qua loa, cần dùng trái tim để phán đoán và vận
dụng quy luật khách quan để chế ngự nó. Chỉ như thế, mới có thể giành được thành quả nổi bật,
đạt được thành công trong công việc.