CON TRAI CỦA NGƯ VƯƠNG
Một ngư dân có kỹ thuật đánh cá rất tài, được mọi người tôn là “Ngư vương”. Nhưng khi về
già, Ngư vương rất buồn, bởi vì kỹ thuật đánh cá của ba người con trai ông đều rất bình thường.
Vì vậy, ông thường hay kể nỗi khổ tâm của mình với mọi người:
— Tôi không thể biết được tại sao kỹ thuật đánh cá của tôi tốt như thế, mà con tôi lại kém
đến vậy? Tôi đã truyền thụ tất cả mọi kỹ thuật cho chúng. Khi chúng còn nhỏ, tôi chỉ cho chúng
từ những điều cơ bản nhất, chỉ cho chúng cách đặt lưới làm sao, giăng lưới ở đâu để bắt được
nhiều cá nhất, chèo thuyền thế nào để không làm cho cá sợ, và khi nào thì quăng lưới để bắt cá.
Còn khi chúng lớn, tôi lại chỉ cho chúng nhận biết thủy triều, thông tin về cá. Tất cả những kinh
nghiệm tôi tổng kết bao năm, tôi không giữ lại gì mà truyền hết cho chúng, nhưng kỹ thuật của
chúng vẫn không thể bằng tôi.
Sau khi nghe ông ta nói, có người hỏi:
— Mỗi lần chúng giăng lưới, ông có giúp chúng không?
— Có, để chúng có thể có được kỹ thuật tốt nhất, tôi dạy rất tỉ mỉ.
— Mỗi lần chúng ra biển, ông có đi theo không?
— Có, để tránh chúng lạc đường, tôi luôn đi theo hướng dẫn.
Người kia lại nói:
— Nhưng đó cũng chính là sai lầm của ông. Ông chỉ truyền thụ cho chúng kỹ thuật, mà
không để cho chúng tự vận dụng. Một người chỉ biết lý thuyết, mà không biết vận dụng chúng
vào thực tế, thì cũng giống như không có kinh nghiệm, làm sao có thể thành thục.