Quyết định này bị rất nhiều người cười chê, cho rằng Nhạc Phi
không có chí tiến thân. Lý do là vì vào thời phong kiến ấy, quan điểm
trọng văn học, dựa vào những kỳ thi cử để tuyển chọn người ra làm
quan vẫn còn rất nặng nề. Bất cứ ai có tài về văn chương thi phú hay
vượt qua được kỳ thi là sẽ được ra làm quan, chẳng cần biết đến đạo
đức của người ấy ra sao. Dĩ nhiên trong số những người đỗ đạt có kẻ
tốt người xấu nhưng hầu hết người có tấm lòng trung thực đều không
chịu nổi sự thao túng của quan lại thời Bắc và Nam Tống, dần dần tìm
cách bỏ đi, để lại quan trường toàn là những tên gian thần giỏi nịnh
bợ, bất tài thiếu đạo đức nhưng giàu sang vinh hiển.
Nói chung muốn tiến thân thì phải qua con đường thi cử, tòng
quân nhập ngũ bị người đời rất khinh thị. Thế nhưng Nhạc Phi vẫn
khao khát được làm người lính, không thể nào khoanh tay đứng nhìn
đất nước nghiêng ngả dưới gót chân xâm lược của ngoại bang. Lúc
bấy giờ hai triều đình Liêu và Kim thay nhau quấy phá biên cương,
quân sĩ hết sức vất vả khổ cực, lại dễ dàng chuốc lấy cái chết nên tòng
quân tức là đã chấp nhận đón lấy cái chết, ai nấy đều tìm cách trốn
tránh, vì vậy quân binh rất cần thêm người có tâm huyết tình nguyện
như Nhạc Phi.
Ngay từ lúc vào quân ngũ, Nhạc Phi đã tỏ ra là người rất anh
dũng, trận nào cũng xung phong đi đầu, không hề sợ chết. Có một lần
ở Hợp châu, nơi có nhiều bọn thổ phỉ ẩn trong vùng núi non, rất khó
đánh dẹp. Nhiều lần quan quân vất vả truy đuổi nhưng đều thất bại,
mỗi khi lơi lỏng là bọn chúng lại xuất hiện cướp bóc của cải dân lành,
thậm chí nhiều khi còn táo tợn đánh cả phủ huyện, giết quan lại và vét
sạch kho lẫm. Lúc đó Nhạc Phi chưa có chức tước gì nhưng vẫn xin
tình nguyện đi đánh dẹp bọn thổ phỉ chỉ với vài chục tinh binh. Ông
cho bọn họ giả làm lái buôn vào thẳng sào huyện bọn thổ phỉ.
Bọn này thấy toàn là trai tráng thì rất thích, không tính tới việc
buôn bán mà định bắt toàn bộ cưỡng ép theo bọn chúng, bao nhiêu
hàng hóa thì tịch thu, thế là “nhất cữ lưỡng tiện” được cả đôi đường.