Từ đó về sau, “Diều hâu đen” không chỉ là công cụ đưa cơm, mà còn trở
thành người liên lạc. Chiếc máy bay mô hình này do chính tay tôi làm ra
khi còn học đại học dựa theo hình tượng chiếc máy bay trực thăng trong
“Diều hâu gãy cánh”, bộ phim yêu thích nhất của tôi.
Nếu muốn cứu em ra ngoài thì đầu tiên tôi bắt buộc phải biết - Tại sao
em lại bị nhốt trên đỉnh tháp?
Em đã phạm phải tội lỗi nào không thể tha thứ ư? Nếu tuỳ tiện thả em ra
ngoài, liệu em có gây hại tới hoà bình thế giới không? Thậm chí, phải
chăng em mắc một chứng bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nên
không thể tiếp xúc với bất kì ai, đành nhốt vào trong vườn treo tự sinh tự
diệt?
Một tháng gần đây, tôi làm đêm ở tiệm tạp hoá 24h, đây là công việc đầu
tiên của tôi kể từ khi thất nghiệp. Mỗi tối, ngồi sau quầy thu ngân trong
tiệm, tôi không hề cảm thấy cô đơn hay sợ hãi, mà ngược lại còn nhớ mong
vô cùng, vào những ngày mưa tôi còn bận lòng - bởi vì có một người con
gái, cũng đang cô độc nằm dưới góc tường trên đỉnh tháp, mắt nhìn bầu trời
sao không một bóng che.
Ngày 15 tháng 10.
Trong chiếc bút ghi âm tôi gửi cho em, lần đầu tiên tôi nghe thấy giọng
nói của em - Dịu dàng, truyền cảm. Tôi rất thích.
Thôi Thiện, giờ tôi đã biết tên mẹ em là Ma Hồng Mai, bố em tên Thôi
Chí Minh, còn biết cả trường cấp 3, bạn thân hồi đại học của em, công ty
đầu tiên em làm sau khi tốt nghiệp.
Khi em nói thì rất lưỡng lự, tôi thắc mắc phải chăng em đã mất trí nhớ,
có lẽ nào cũng mắc căn bệnh giống tôi?
Để chắc chắn rằng em không lừa tôi, tôi mạo danh thành bạn trai em đi
hỏi thăm những người bạn và đồng nghiệp của em trước. Tôi lén ghi âm lại
rồi gửi nó cho em qua “Diều hâu đen”. Có thể em không tin, nhưng đó là
lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhiều người lạ đến thế. Những con người hoặc
đáng sợ hoặc kì quái kia, mặt đối mặt phả hơi thở lên mặt tôi cùng đủ loại
ánh mắt lạnh lùng, khinh khi hay xảo quyệt.
Ngày 29 tháng 11.