- Mấy câu đó ý nghĩa như thế nào?
- Khó lắm. Nói ra sợ cháu hiểu lầm. Ông bà mình hồi xửa hồi xưa đặt
để câu đó, nhắn nhủ mấy người lớn tuổi mà ưa làm chuyện bá vơ như bác.
Cháu thử nghĩ: bác ở không suốt ngày, chỉ còn biết tiêu khiển bằng cách
thăm viếng người chòm xóm, giúp đỡ lặt vặt. Rồi thì dưỡng nhàn. Cháu
biết tại sao làm mai là cái ngu dại thứ nhứt?
Tư Hưng đáp:
- Dạ cháu hiểu mơ màng thôi...
- Nói ra, cháu đừng giận nghe không. Mình làm mai, giúp hai gia đình
bên trai, bên gái kết tình thông gia. Nếu con cái họ ăn ở với nhau êm ấm thì
thôi. Nhược bằng gặp thứ trai lỗ mãng, thứ gái lười biếng hỗn hào thì thế
nào bên trai hay bên gái cũng trách móc mốc ông mai. Nào là thằng rể hoặc
con dâu đó tệ quá. Không khéo, vài ngày nữa, nếu vợ chồng cháu chưa hoà
thuận với nhau được....
Tư Hưng cúi đầu:
- Dạ, cháu hứa...
- Ðây là cái ngu thứ nhì của bọn già cả, có chút ít thể diện hoặc điền
sản như bác. Mình lãnh nợ dùm cho thiên hạ, nếu con nợ trả đủ thì chủ nợ
vui sướng, hưởng tiền lời. Bằng không, họ lại mắng vốn... Còn cái ngu thứ
ba là gác cu.
Nghe đến đó, Tư Hưng mỉm cười. Gác cu tức là đem con cu mồi ra
ngoài ruộng để cho cu gáy lên, nhử bắt con cu rừng. Mấy ông cai tổng, ông
hội đồng địa hạt thường gác cu vào mùa này. Tư Hưng còn nhớ năm ngoái
ông cai tổng đi gác cu với vài đứa tiểu đồng, mang theo nào trả ấm, thịt gà,
cơm nếp. Tại sao gác cu là cái ngu dại thứ ba? Anh ta hỏi mãi nhưng Hai
Kiểm cứ lắc đầu. Sao rốt, anh ta gợi ý:
- Dạo này, hễ ở nhà thì gây gổ với vợ. Cháu muốn theo bác, làm đứa
tiểu đồng để học nghề. Hồi đó tới giờ, cháu ưa đá gà, đá cá thia thia. Mai
kia mốt nọ, về già, cháu sẽ gác cu như bác.
- Ðừng, cháu ơi. Dại dột lắm.
Con cu mồi gáy vang lên. Ngoài bờ tre xa xôi dường như có tiếng đáp
lại. Khiêu khích -"Cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau tới Tết dựng nêu ăn