nghiệp lớn lao mà họ đã mong ước. Họ đã mắc phải chứng mặc cảm ghê
gớm của thiên tài không được thiên hạ biết đến.
Thái độ của người muốn thực sự thành công thì lại khác hẳn.
Người này không nghĩ gì đến sự may mắn. Y chấp nhận tất cả những
cơ hội xuất hiện, dù bé nhỏ cũng được, miễn là có thể đưa y tiến lên. Y
không chờ đợi nàng tiên May Mắn mở cửa kho vàng cho mình. May mắn, y
tạo ra bằng cách làm việc. Thỉnh thoảng y có thể lầm lẫn, vì thiếu nhận xét
hoặc thiếu kinh nghiệm, song mỗi lần thất bại lại dạy cho y làm tốt hơn
trong tương lai và đến lúc chính chắn y sẽ thành công.
Y không thọc hai tay vào túi mà đợi chờ để than thở là mình đã không
được may mắn.
Cũng nên xét đến luận cứ tế nhị hơn về sự may mắn. Đó là ý tưởng cho
rằng có hạng người có giác quan thứ sáu, đến đỗi họ biết bằng trực giác là
dịch vụ nào sẽ thành công hay thất bại, thị trường sẽ phát triển hay là bị
khủng hoảng. Người ta tưởng tượng rằng hạng người này tiến bước trên
đường thành công bằng một loạt có thể gọi là « đấu giá tinh thần ».
Đừng có tin vào cái thứ thần bí rẻ tiền đó.
Giải thích thực tế thì khác hẳn.
Những người thuộc vào hàng đầu trong các giới kinh doanh lớn lao, tài
chánh hay chính trị, thường cho người khác có cảm tưởng là họ hành động
bằng trực giác. Nhưng thực ra nhờ họ chú trọng quan sát không ngừng đến
những biến chuyển tình hình nên họ mới thấu suốt được tình thế để có hành
động phản ứng thích hợp.
Khi những dự liệu của họ tỏ ra là đúng, mọi người sẽ kêu lên : « Rõ
thật là may mắn ! » Mọi người sẽ nói như thế này thì đúng hơn : « Suy luận
vững thật ! Kinh nghiệm già dặn thật ! »
Kẻ đầu cơ « may mắn » là một kiểu người khác hẳn. Y thành công
trong một vụ lớn rồi biến đi trong một thảm họa nào đó. Y mất tài sản nhanh
cũng như lúc tạo nên.