binh quyền của anh em họ đấy thôi.
HỨA, TRẦN 2 người đi liền.
Lại đòi quan Điện trung hiệu úy là DOÃN ĐẠI MỤC đến, sai TƯỞNG
TẾ viết thư, cho ĐẠI MỤC cầm ra đưa cho TÀO SẢNG. Ý dặn rằng:
- Ngươi thân thiết với TÀO SẢNG, nên giúp việc này. Ngươi có ra mắt
TÀO SẢNG, thì nói rằng ta với TƯỞNG TẾ trỏ sông Lạc Thủy ăn thề, chỉ
vì việc binh quyền, chớ không có bụng nào cả.
DOÃN ĐẠI MỤC vâng lệnh đi ra.
* * * * * * * * Nói về TÀO SẢNG đang mãi săn bắn, huýt chó thả chim.
Chợt có tin báo trong thành nổi loạn, Thái phó có biểu văn đưa đến. SẢNG
giật nảy mình, suýt nữa ngã ngựa. Quan hoàng môn dâng biểu quỳ trước
mặt thiên tử. SẢNG tiếp lấy tờ biểu mở ra, sai cận thần d0oc5 lên vua nghe.
Biểu rằng:
Chinh Tây đại tướng quân thái phó thần là TƯ MÃ Ý, rất sợ hãi, cúi đầu
kính dâng biểu lên bệ hạ: Thần tự khi đánh liêu Đông trở về, tiên đế giao
phó bệ hạ cho Tần Vương và bọn thần, bên giường ngự, cầm tay thần, gắn
bó dặn dò việc sau. Nay đại tướng quân TÀO SẢNG bỏ lời cố mệnh, loạn
phép nhà nước, trong thì tiếm pháp, ngoài thì chuyên quyền, dung hoàng
môn là TRƯƠNG ĐƯƠNG làm đô giám, cùng nhau tư thông, để ngấp nghé
ngôi báu, làm cho lìa cách 2 cung, tàn hại trong tình cốt nhục. Thiên hạ nôn
nao, mang lòng sợ hãi. Đó không phải là ý của tiên đế bảo bệ hạ và dặn thần
như thế. Thần tuy già yếu, dám đâu quên lời xưa. Thái úy thần là TẾ,
thượng thư thần là PHU cũng nghĩ rằng TÀO SẢNG không có bụng tôn
vua, không nên cho anh em y được giữ binh quyền túc vệ trong cung nữa.
Vì thế, thần tâu với hoàng thái hậu, thái hậu sai thần tấu biểu với bệ hạ để ra
lệnh. Vậy thần dâng biểu này, xin bắt SẢNg, HI, HUẤN phải bãi binh đi
mà về nhà, không được để xa giá bệ hạ ở lâu ngoài thành. Nếu chậm trễ, xin
án quân pháp mà trị tội. Thần phải gượng bệnh đem quân ra đóng trên cầu
Lạc Thủy, để coi xét việc bất thường. Vì vậy bày tỏ, xin được soi xét.