Những mặt ưu điểm thông thường như: khiêm tốn, giản dị, trung
thực, thận trọng nhưng nếu vượt quá ngưỡng bình thường lại biến
thành nhược điểm, ví dụ quá thận trọng dễ trở thành nhút nhát, bảo
thủ trì trệ, thiếu sức sống, không dám cạnh tranh, không dám mạo
hiểm, kém tinh thần sáng tạo khai thác, trong cạnh tranh thương
trường, mẫu người như thế sẽ bị thua cuộc.
(8) Không đùn đẩy lỗi lầm cho người khác
Con người đâu phải là thần thánh, nên bất kỳ ai cũng có thể sai
lầm, cũng có lúc mắc lỗi, có lúc nói sai, làm sai, trước hết gây tổn
thất cho mình, sau nữa gây tổn thất cho tập thể, cộng đồng. Tuy
nhiên chuyện đó là lẽ thường tình, cũng không đáng sợ, nếu người
mắc lỗi biết dũng cảm đứng ra nhận lấy trách nhiệm, và có quyết
tâm, có hành động cụ thể sửa chữa lỗi lầm. Làm được như vậy,
không những không mất uy tín danh dự trước mọi người, mà ngược
lại còn có thể nâng cao uy tín và danh dự của bản thân.
Sự thực chứng minh rằng, những người dũng cảm nhận sai lầm,
dám gánh vác trách nhiệm sửa chữa sai lầm, thì cho dù sai lầm to
lớn đến mức nào, hình tượng của người đó trong con mắt mọi
người cũng không hề bị xuống cấp, ngược lại người ta càng cảm
phục người đó dũng cảm trung thực, đáng tin cậy.
Nhưng cũng không ít kẻ tự cho mình là khôn ngoan, khi làm sai
nói sai, lại tìm cách đổ lỗi cho người khác. Họ tin rằng hành động
như vậy sẽ giữ gìn được hình tượng của mình, nâng cao uy tín của
mình, thực ra kết quả hoàn toàn trái ngược, khi người ta nhận xét
rằng, một con người không đủ dũng khí thừa nhận sai lầm, thì
không thể đặt niềm tin, không thể hợp tác với người đó. Vì vậy đổ lỗi
cho người khác là biểu hiện trái đạo đức, mất chữ tín, tuyệt đối nên
tránh.