giao tiếp tiếng Hàn thành thạo, hiểu về văn hóa, lịch sử của Hàn Quốc”.
Mọi người chăm chú lắng nghe, có người gật đầu, người đàn ông trung
niên kia nhìn Hiểu Tranh bằng ánh mắt hết sức ngạc nhiên.
Nghị Vĩ đứng sau cô, mỉm cười vui sướng.
Nhìn thấy phản ứng của mọi người, Hiểu Tranh càng tự tin hơn. Cô nói
tiếp: “Thứ hai, cháu có năng khiếu nghệ thuật. Cháu yêu đàn tranh và đã
giành được rất nhiều giải thưởng. Nếu là học sinh trao đổi Trung - Hàn thì
cháu nghĩ không chỉ trao đổi con người mà còn trao đổi văn hóa truyền
thống của hai quốc gia”.
“Hơn nữa, ước mơ của cháu là kế thừa di nguyện của mẹ cháu, trở thành
nghệ sĩ đàn tranh xuất sắc, để nhiều người hiểu về loại nhạc cụ dân tộc cổ
xưa này. Cô giáo năng khiếu của cháu nói, có một nghệ sĩ đàn tranh vô cùng
ưu tú đang dạy học ở đại học Seoul. Học sinh trao đổi Trung - Hàn lần này
được cử sang trường cấp ba của Đại học Seoul. Như vậy chẳng phải là cháu
sẽ có cơ hội để học tập kỹ năng biểu diễn đàn tranh xuất sắc nhất sao?”
Không ngờ cô bé này lại có những hiểu biết sâu sắc và hoài bão lớn lao
như thế. Mọi người đều nhìn cô bằng ánh mắt tán thưởng. Một lãnh đạo
không kìm được hỏi: “Di nguyện? Đó là…”. Hiểu Tranh rất ít khi nhắc đến
bố mẹ quá cố của mình. Nhưng hôm nay cô không thể kìm nén được tình
cảm của mình. Hiểu Tranh xúc động nói: “Bố mẹ cháu mất trong một lần tai
nạn xe. Cháu trở thành trẻ mồ côi. Lúc mà cuộc sống của cháu khó khăn
nhất, lúc mà cháu không biết dựa vào ai thì một người Hàn Quốc tốt bụng
đã chủ động tài trợ cho cháu. Vì thế mà cháu mới tiếp tục được đi học.
Cháu hy vọng một ngày nào đó mình được đến Hàn Quốc, có thể gặp người
ấy để nói lời cảm ơn. Vì thế bao nhiêu năm nay cháu đều tự học tiếng Hàn.
Nếu cháu có thể trở thành học sinh trao đổi Trung - Hàn thì cháu có thể
thực hiện được ước mơ của mình. Hơn nữa lựa chọn cháu càng thể hiện
được ý nghĩa của chương trình trao đổi học sinh Trung - Hàn”.
Sự kiên định và niềm khao khát trong đôi mắt của Hiểu Tranh đã truyền
sang tất cả những người có mặt ở đó.