Từ “phòng thủ” trong chiến tranh bao hàm hai ý, muốn tư duy chính xác thì phải quan niệm một cách
tách biệt. Có loại phòng thủ theo đúng nghĩa của từ này, bên phòng thủ tìm cách củng cố lực lượng và
chờ đợi cuộc tấn công. Có thể gọi đó là phòng thủ tiêu cực. Mặt khác, có quan niệm cho rằng kiểu
phòng thủ bảo đảm an toàn tốt nhất – mục đích thật sự của công tác chuẩn bị phòng thủ – là tấn công
quân thù. Nói về phòng thủ bờ biển thì biện pháp đầu tiên bao gồm xây dựng công sự, đặt mìn, và nói
chung là xây dựng những công trình có thể ngăn chặn bước tiến của quân thù, không để họ xâm nhập.
Biện pháp thứ hai bao gồm những phương tiện và vũ khí có thể đối đầu với quân thù chứ không đợi bị
tấn công, có thể khi họ ở cách bờ biển vài dặm, mà cũng có thể khi họ còn nằm cạnh bờ biển của đất
nước. Phòng thủ như thế có thể được coi là tấn công, nhưng không phải như thể nó chỉ trở thành tấn
công khi đối tượng tấn công không phải là hạm đội mà là đất nước của kẻ thù. Nước Anh tiến hành
phòng thủ bờ biển và các thuộc địa của mình bằng cách để các hạm đội của mình ở bên ngoài các
cảng của Pháp, sẵn sàng chiến đấu nếu họ đi ra. Trong cuộc nội chiến, Hợp chúng quốc để hạm đội ở
bên ngoài các hải cảng của miền Nam, không phải là để bảo vệ bờ biển của mình mà là bao vây nhằm
làm suy yếu Liên bang miền Nam và cuối cùng là tấn công các hải cảng của họ. Phương pháp vẫn là
một, nhưng mục tiêu của Anh là phòng thủ, còn của Hợp chúng quốc là tấn công.
Sự lẫn lộn giữ hai ý tưởng này dẫn đến những cuộc tranh luận không cần thiết về vai trò của lục quân
và hải quân trong công tác phòng thủ bờ biển. Phòng thủ tiêu cực là trách nhiệm của bộ binh, tất cả
những gì chuyển động trên mặt nước là trách nhiệm của hải quân, hải quân có đặc quyền trong phòng
thủ tấn công. Nếu lính thuỷ được sử dụng để bảo vệ đồn bốt trên bờ thì họ trở thành một phần của lực
lượng trên bộ. Cũng như bộ binh, khi được đưa lên tàu thì lại trở thành một phần của lực lượng hải
quân.