ra lệnh giải tán Quốc dân đảng. Sau đó họ Viên bổ nhiệm một Hội đồng
Chính trị để làm cố vấn cho Viên, và thành lập một Hội Đồng Hiến Pháp
với thành phần là những đại biểu được dân bầu lên. Họ Viên cố chứng minh
những lợi điểm của một nền quân chủ so với chính thể cộng hòa. Một số ít
người cũng đồng ý với họ Viên. Tại Nhật Bản, phe cách mạng nhìn thấy
Viên Thế Khải đang phá hoại công trình của họ đã tạo được sau bao nhiêu
năm cố gắng, và cảm thấy rằng họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
Khi Tôn Dật Tiên trốn sang Nhật thì Tống Giáo Nhân cũng lâm vào tình
cảnh nguy hiểm, vì mọi người biết rõ Tống Giáo Nhân là đồng chí của Tôn
Dật Tiên, và đã hoạt động sát cánh với Tôn Dật Tiên. Nếu Tống Giáo Nhân
tiếp tục ở lại Thượng Hải thì chắc chắn sẽ không tránh thoát được bàn tay
của những thích khách do Viên Thế Khải phái tới. Tống Giáo Nhân đành
phải quyết định đem cả gia đình trốn sang Nhật, gồm có Ái Linh, Khánh
Linh và hai cậu con trai nhỏ. Lúc đó Tống Tử Văn và Tống Mỹ Linh vẫn
còn du học tại Hoa Kỳ.
Khi tới Nhật Bản, gia đình Tống Giáo Nhân được Quốc dân đảng tại Nhật
đón tiếp nồng hậu. Tống Ái Linh vẫn trở lại công việc làm thư ký cho Tôn
Dật Tiên như trước. Tôn Dật Tiên cũng đem theo cả vợ con sang lánh nạn
tại Nhật. Vì bổn phận của một lãnh tụ cách mạng, Tôn Dật Tiên đã phải
sống xa gia đình gần như suốt cả cuộc đời, vì thế hai vợ chồng bây giờ có
vẻ xa cách nhau. Sự ràng buộc giữa Tôn Dật Tiên và vợ con dường như rất
lỏng lẻo. Nhưng tại Nhật Bản, vợ của Tôn Dật Tiên tìm thấy sự an ủi ở một
tình bạn thân cận với bà Tống Giáo Nhân. Hai bà trở thành hai người bạn
thân thiết với nhau, và cùng nhau đi thăm nhiều thắng cảnh tại Nhật Bản.