Theo quốc lộ số IV đến Bạc Liêu, hai bên đồng ruộng mênh mông,
nếu bạn đi vào vụ mùa lúa chín, bạn sẽ thấy bâng khuâng, một mối thương
quê cha đất tổ, vốn là mảnh đất của dân tộc chuyên nghiệp, qua hình ảnh
đám nông dân cần lao nhẫn nại, mà Hậu Giang là tượng trưng. Rồi từ bâng
khuâng cảm khái, bạn sẽ yêu mến người nông dân sông Hậu và tất cả đồng
bào miền Tây, vì hình thức quê mùa mộc mạc, mà bạn hẳn có lúc chế giễu
là đóng « Phèn » nhưng tâm tư thì chân thành chất phác biết bao.
Thỉnh thoảng theo bờ kinh, bạn mục kích những thuở vườn nhỏ ẩn
hiện, hoặc phía trước hoặc phía sau, hay hai bên sông của từng ngôi nhà cất
rải rác, khang trang, khoảng khoát, bạn mới thật sự cảm thấy thèm yêu thú
vị đồng quê, hoa ngàn cỏ nội mơn man duyên gió ruộng đồng.
Gần tới tỉnh Bạc Liêu, về phía hữu, có phi trường quân sự. Phi
trường quân sự thì chẳng có gì lạ với bạn, vì hẳn bạn đã từng thấy nhiều nơi
ngày nay đều có. Nhưng một phi trường ở vào vị trí một tỉnh ruộng đất bao
la bát ngát, lại có sắc thái đặc biệt đáng ngắm nhìn hơn cả. Vì giữa khoảng
trời đất mênh mông, đột ngột công trình nhân tạo xây dựng lên rất đồ sộ,
hùng vĩ, thế mới nổi bật cơ cầu phòng thủ, bảo vệ non sông khi biến trắc.
Từng đoàn chim sắt bay lên đáp xuống, đi đi về về rộn rịp một góc trời, bạn
sẽ phải hồi tưởng đến khu điểu đình, tức khu vực sân chim của Bạc Liêu,
Cà Mau xưa, mà bạn chắc cũng có lúc nghe nói đến. Và ngay trong quyển «
Bạc Liêu xưa và nay » của chúng tôi trình bày dưới mắt bạn đây, nơi phần
di tích thắng cảnh, chúng tôi đã có nói nhiều về sân chim, một nguồn lợi
thiên nhiên của Bạc Liêu xưa, rất tiếc không còn nữa ! Cơ khí trong đời văn
minh khoa học đã vô tình xô lấn hằng đám chim khổng lồ kia đi mất. Chỉ
còn qua đàn chim sắt trong khoảng sân cát sỏi, gợi nhớ cho chúng ta chút
hình ảnh xa xưa ấy. Buồn vui lẫn lộn xáo trộn tâm tư, ngồi trên xe miên
man nghĩ ngợi, để sống phút giây hoài cổ, âu cũng là một điều thích thú,
giết được thì giờ trong khoảng đường xa.