LỜI GIỚI THIỆU
Tôi có một vấn đề “kỹ thuật”.
Trong khi hầu hết những phần khác của cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh,
gan tôi lại có mười khối u và tôi chỉ còn một vài tháng để sống.
Tôi kết hôn với người phụ nữ lý tưởng của tôi, và là cha của ba đứa con
nhỏ. Ðáng lẽ tôi phải sầu não cho thân phận của mình, nhưng như vậy sẽ
chẳng mang lại điều tốt lành nào cho vợ con, hoặc cho tôi.
Vậy, nên sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại này như thế nào đây?
Hiển nhiên là tôi nên sống và chăm sóc cho gia đình mình. Trong khi vẫn
còn sức lực, tôi sẽ dành mọi thời gian cho vợ con, làm những điều thiết thực
nhất để việc họ bước vào cuộc sống thiếu vắng tôi được dễ dàng hơn.
Phần ít hiển nhiên hơn là làm thế nào để dạy các con tôi những gì mà
đáng ra tôi có thể dạy chúng trong hai mươi năm tới. Các con tôi còn quá
nhỏ để có thể cùng trao đổi với tôi. Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn dạy
con biết phân biệt cái đúng với cái sai, dạy những gì ta nghĩ là quan trọng,
và dạy chúng nên hành xử như thế nào trước những thách thức do cuộc
sống mang tới. Chúng ta cũng muốn con cái biết một vài câu chuyện từ
cuộc đời của chúng ta, đó thường là cách để dạy chúng lèo lái cuộc đời
mình. Mong muốn làm điều đó đã đưa tôi tới việc thực hiện “bài giảng cuối
cùng” tại Ðại học Carnegie Mellon
[1]
Những bài giảng này bao giờ cũng được ghi hình. Tôi biết mình đã làm
gì vào hôm đó. Duới mẹo đọc một bài giảng hàn lâm, tôi đã thử đưa mình
vào một chiếc lọ, để một ngày nào đó, chiếc lọ sẽ trôi dạt trở về bãi biển,
đến với các con tôi. Nếu là họa sĩ, tôi đã vẽ tranh cho các con. Nếu là nhạc
sĩ, tôi đã sáng tác nhạc. Nhưng tôi lại là thầy giáo. Vậy nên tôi giảng bài.