- Bằng là mày bằng đó! Ngồi không chịu nghe gì hết!
Tôi trố mắt:
- Sao lạ vậy ? Bây giờ có tới hai góc và một cạnh bằng nhau kia mà ?
Bảy lại nhăn mặt:
- Nhưng mà cạnh đó phải nằm giữa hai góc kia! Ở đây nó nằm lọt tuốt ra ngoài, đâu có bằng
được!
Bảy giảng lại lần nữa. Tôi căng óc cố nhớ. Trường hợp thứ nhất, hai tam giác bằng nhau khi
có một góc bằng nhau nằm giữa hai cạnh bằng nhau. Trường hợp thứ hai, một cạnh bằng
nhau nằm giữa hai góc bằng nhau. Thứ ba, ba cạnh đều bằng nhau. Tôi nhẩm trong miệng
một hồi, góc cạnh nằm lộn xộn hết ráo.
Nghe tôi đọc "hai góc cạnh nhau nằm giữa một cạnh bằng nhau", Bảy đưa tay bịt hai lỗ tai:
- Thôi thôi, đừng đọc nữa! Mày đọc một hồi chắc tao phát điên mất!
Tôi thở dài:
- Nhưng mà tao phát điên trước mày! Toán với tiếc gì mà rối rắm!
Thấy tôi thê thảm quá, Bảy động viên:
- Thôi, ráng lên! Thằng Quang đã thuộc rồi đó!
Để giúp tôi, Bảy ghi tắt các công thức bằng ký hiệu. C.g.c tức là một góc bằng nhau nằm giữa
hai cạnh bằng nhau. Tương tự như vậy, hai trường hợp kia là g.c.g và c.c.c.
Từ khi những câu nói rắc rối, khó nhớ kia được chuyển thành ký hiệu, tôi thấy dễ học hơn.
Nhưng để cho nhớ dễ hơn nữa, tôi "chế biến" các ký hiệu cứng đơ thành một ngôn ngữ sống
động, đầy hình ảnh. Tôi đọc c.g.c. thành con gà con, g.c.g. thành gà con gáy và c.c.c. là cúc cu
cu. Tất nhiên là sau khi bầy gà xuất hiện, tôi thuộc nhão như cháo.
Thoạt đầu, nghe tôi trả lời, Bảy tặc lưỡi chán ngán:
- Học không lo, cứ lo giỡn!