Ghi nhớ những gì bạn đã lên kế hoạch cũng không kém phần quan trọng so
với việc sắp xếp thời gian hay tổ chức một dự án. Không phải lúc nào bạn
cũng có thể lập ngay một Bản đồ Tư duy, chẳng hạn như trong một cuộc
phỏng vấn hoặc một cuộc họp bất thường với sự có mặt của giám đốc của
bạn, khi ấy sẽ rất có ích nếu bạn luôn có sẵn thông tin trong đầu. Có kiến
thức sẽ giúp bạn tự tin: nếu bạn tự tin với khả năng của mình, những người
khác sẽ tin tưởng vào bạn.
Tin tốt lành là Bản đồ Tư duy không chỉ giúp bạn tổ chức bản thân và tư
duy của bạn mà còn giúp bạn nhớ lâu những gì cần phải nhớ. Điều này là
do hoạt động vẽ Bản đồ Tư duy giúp bạn tăng cường khả năng nhớ.
Trong nhiều năm, người ta đã quan niệm sai lầm rằng khả năng của trí nhớ
là có giới hạn, cũng tương tự như một chiếc đĩa máy tính hay một ổ cứng.
Tuy nhiên, một điều đã được làm sáng tỏ là trí nhớ của bạn càng được tập
luyện, bạn sẽ càng có khả năng nhớ tốt hơn.
Não bộ của con người có thể thực hiện tới 100 tỷ kết nối giữa hàng triệu
nơron thần kinh. Mỗi kết nối đều có thể là một phần của trí nhớ – có bằng
chứng rõ ràng rằng tiềm năng bộ nhớ của con người là vô hạn. Khó khăn
duy nhất của chúng ta là làm sao có thể nạp khối lượng thông tin đó vào bộ
nhớ bằng cách đúng nhất. Để hiểu được điều đó chúng ta cần nhận thức là
trí nhớ dựa trên hai nguyên tắc rất đơn giản và sâu sắc:
Tưởng tượng và Liên kết
Đây là hai nền móng cơ sở của Bản đồ Tư duy, liên quan đến việc kết hợp
sử dụng màu sắc, hình ảnh, những từ đơn và những nhánh liên kết với
nhau. Phương pháp ghi chép truyền thống đã khiến chúng ta gạt sang một
bên hai nguyên tắc vô cùng hữu hiệu này. Tuy nhiên, cùng với việc nhận
thức rằng tưởng tượng và liên kết chính là động lực dẫn đến thành công
trong bất kỳ công việc nào không ngừng được nâng cao, thì vai trò của
những kỹ năng này cũng không ngừng được chú trọng.