Sinh năm 1903 tại Kiev. Sau nhiều năm phiêu bạt ở Phần Lan và Thụy
Điển, bà đến Paris. Say mê văn chương, thành thạo bảy ngoại ngữ cùng vốn
sống phong phú bà có nhiều tác phẩm được xuất bản và đã trở thành một
hiện tượng văn học đặc biệt. Sau đó, bà trở thành nạn nhân của chính sách
bài Do Thái do phát xít Đức tiến hành. Năm 1942, Irène Némirovsky bị đày
đến Auschwitz và bị ám sát ở đó. Năm 2004, Denise Epstein, con gái đầu
lòng của Irène Némirovsky khi đó ở tuổi bảy mươi tư, mới quyết định cho
in Bản giao hưởng Pháp - tác phẩm được mẹ bà dự định viết thành năm
phần với số lượng nhân vật đông đảo, với những tình tiết thắt-mở nút bất
ngờ xoay quanh mối quan hệ giữa các nhân vật ấy trong thời kỳ Thế Chiến
II.
Nước Pháp những năm 1940. Sau một mùa hè tản cư rối loạn, đầy
kinh hãi và cả đớn hèn, người dân bắt đầu bước vào thời kỳ buộc phải
chung sống cùng quân Đức. Nghịch lý thay, giai đoạn tưởng chừng ngập
tràn khiếp sợ này lại diễn ra hết sức êm đềm với những tình cảm con người
trìu mến, trong đó có những mối tình thầm lặng, trong sáng, lãng mạn, ngập
tràn chất thơ…
Bản giao hưởng Pháp được hết thảy giới nhà văn, nghiên cứu, phê
bình, giới truyền thông và tất cả những ai từng đọc nó trên toàn thế giới tôn
vinh như một viên ngọc quý của nền văn học. Dù còn dang dở, song kiệt
tác này vẫn “kịp” miêu tả thành công cái nền chân thực của một tấn trò đời
thời chiến, ở đó, toàn bộ tài năng của tiểu thuyết gia được bộc lộ thông qua
nhân vật trong vô số gương mặt thuộc mọi giai tầng khác nhau. Đó chính là
lý do giải thích vì sao Irène Némirovsky được coi như một văn sĩ hiếm hoi
đã diễn tả đầy sức mạnh và sinh động cuộc sống hậu phương thời chiến ở
một tầm vóc sử thi. Và khiến bà trở thành nhà văn quá cố duy nhất cho tới
lúc này giành được giải Renaudot - một trong những giải thưởng văn học
uy tín nhất của Pháp.
“Sau nhật ký của Anne Frank, có thể coi Bản giao hưởng Pháp của
Irène Némirovsky là một sự kiện lớn, độc đáo cả về khía cạnh văn học lẫn
lịch sử. Một kiệt tác” – L’Express