được coi như một động lực, một bước đệm cho cú nhảy vọt trở thành
con người toàn cầu của thế hệ trẻ.”
Luôn thân thiện với bất cứ ai
Thường thì, khi một người trong bất cứ tổ chức nào được thăng
chức lên cấp quản lý thì không chỉ bản thân cá nhân đó mà cả đội
ngũ nhân viên cấp dưới đều căng thẳng. Những nhân viên vốn có
quan hệ thân thiết với cá nhân này khấp khởi mừng thầm, “Mình
đối xử với sếp tốt thế, chắc chắn là sau này sẽ thuận lợi hơn
trong việc thăng tiến”. Những nhân viên vốn không thân thiện với
sếp thì ngậm đắng nuốt cay, hễ có dịp là lại tụ tập nói xấu sếp
mới. Thế nhưng, vào tháng 1/2004, khi Ban Ki Moon được bổ nhiệm
làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại, toàn thể nhân viên đều
tỏ ra vui mừng bởi vì ai nấy đều nghĩ rằng mình “là người của Ban
Ki Moon”.
Phẩm chất tốt đẹp lại thêm phần lịch thiệp khiến Ban Ki
Moon rất được lòng các nhân viên. Họ cảm động trước những hành
động và sự quan tâm nhỏ nhặt của Bộ trưởng. Chẳng hạn như “Hôm
nay tôi đến cơ quan được Bộ trưởng mở cửa giúp cho đấy”, một
nhân viên nữ chia sẻ. Những Bộ trưởng như thế thật hiếm.
Trong một dịp đi công tác nước ngoài, tại khách sạn, ông chợt
thấy một phụ nữ đang mang hành lý nặng lê bước đến cửa thang
máy. Trong khi những người đứng gần đó và trợ lý của ông đều
không để ý thì Ban Ki Moon đã vội bước đến hỏi “Tôi có thể giúp cô
được không?” và đón lấy hành lý từ tay người phụ nữ. Cách cư xử lịch
thiệp đối với phụ nữ được hình thành trong ông một cách tự nhiên
qua quá trình làm việc với tư cách là một nhà ngoại giao.