Luật Mỹ nghiêm
Từ năm 2009, Panama đã nằm trong danh sách đen các “thiên đường tài
chính” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Rồi đến năm
2011, sau nhiều tháng bị sức ép, chính quyền tổng thống Ricardo Martinelli
đã phải nhượng bộ ký với phía Mỹ một hiệp ước tài chính cực kỳ khắc
nghiệt cho Panama. Hiệp ước này cho phép giới chức Mỹ có được thông tin
liên quan các tài khoản bên Panama khi điều tra các vụ việc không vi phạm
luật pháp Panama. Thỏa thuận đó tạo ra hiệu ứng tức thì: nhiều ngân hàng
đã quyết định “không làm ăn” với công dân Mỹ!
Một lý do khác được cho là khiến dân Mỹ ít nhờ đến “thiên đường thuế”
như dân châu Âu là mức khấu trừ bắt buộc ở Mỹ thấp hơn, chỉ 24% so với
mức trung bình 34% của các nước OECD (số liệu năm 2010). Đó là chưa
kể có thể sử dụng các khoản giảm trừ như tiền nuôi con, học hành…
Luật về chống trốn thuế ở Mỹ cũng khá cứng rắn và đã được thực thi
nhiều năm qua với việc áp dụng luật Fatca (đạo luật tuân thủ thuế đối với
các tài khoản nước ngoài, được phê chuẩn năm 2010).
Một khi bên luật pháp Mỹ nhúng tay vào thì các ngân hàng phải hợp tác;
nổi tiếng như ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng phải chấp nhận phá vỡ nguyên
tắc bảo mật tài khoản để cung cấp tên họ khách hàng người Mỹ của mình
khi bị yêu cầu từ tư pháp Mỹ.
Ở Mỹ, các ngân hàng giờ đây đều phải báo cho bên thuế vụ mọi trường
hợp cá nhân có tài khoản hơn 50.000 USD. Theo thông tin trên trang web
của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), bất kỳ công dân Mỹ nào có tài khoản ở nước
ngoài hơn 10.000 USD đều phải khai báo hằng năm. Chưa hết, bất kỳ công
ty nào dù chỉ có một công dân Mỹ là thành viên sáng lập thì cũng phải
đóng thuế cho Mỹ.
Ông Pascal Saint-Amans – giám đốc trung tâm chính trị và điều hành tài
chính của Tổ chức OECD – tiết lộ thêm: “Người Mỹ ít có tên trong “Tài
liệu Panama” vì Công ty luật Mossack Fonseca đã nằm trong tầm ngắm của
Bộ Tài chính Mỹ”.