Tiểu Thực mới nghẹn ngào kể lại cảnh tượng mà cậu đã gặp trong giấc mơ
cho Phương Hồng Khanh và Tần Thu nghe.
Hai người nghe xong, gương mặt lộ vẻ xúc động, Phương Hồng Khanh
thở dài, nói: “Tôi biết người con gái đó là ai rồi. Người tự tay đánh trống
trước trận chiến Hoàng Thiên Đãng giữa hai quân Tống - Kim năm ấy
chính là nữ anh hùng Lương Hồng Ngọc. Tương truyền năm đó nàng đi
theo phu quân của mình là Hàn Thế Trung chinh chiến khắp nơi, nhiều lần
nổi trống trước trận đánh, làm khuấy động lòng quân.”
Nghĩ đến người con gái có khuôn mặt thanh tú nhưng đầy khí phách đã
gặp trong giấc mơ, Tiểu Thực gật đầu, nói: “Vậy người đàn ông tôi gặp
trong giấc mơ chính là Hàn Thế Trung sao?”
“Có lẽ không phải.” Phương Hồng Khanh lắc đầu, nói: ” Thứ nhất, Hàn
Thế Trung không chết trận. Sau khi bị Hoàng đế Nam Tống ghẻ lạnh, ông
cáo lão về quê, cuối cùng chết già bên bờ Tây Hồ. Thứ hai, người đàn ông
cậu gặp trong giấc mơ gọi cô ấy là “tiểu thư” , thế nên tôi nghĩ có lẽ người
đó thuộc hạ của Lương tướng quân.
Lương Hồng Ngọc vốn là con nhà tướng, từ nhỏ đã văn võ song toàn,
giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Năm Tuyên Hòa thứ hai, một người dân ở Mục
Châu là Phương Lạp đứng lên khởi nghĩa, quy tụ mấy trăm nghìn dân miền
núi, liên tiếp chiếm lĩnh các châu và quận. Lương Hồng Ngọc vì muốn
bưng tai bịt mắt người khác, nhiều lần cải nam trang, thay phụ thân đi
truyền tin tức từ chiến trận về hậu phương.
Sau đó, chiến sự vô tình, Lương tướng quân vì một phút sơ hở mà bỏ lỡ
mất thời cơ, thua thảm hại nên bị khép vào tội chết. Từ đó, Lương gia sụp
đổ, phụ thân và huynh trưởng bị xử tử, Lương Hồng Ngọc cũng bị đày làm
kỹ nữ.
Cuộc nổi dậy của Phương Lạp gây ra tai họa cho sáu châu, năm mươi hai
huyện, sát hại hơn hai triệu bách tính. Triều đình phái Đồng Quán, Đàm
Trinh thống lĩnh đại quân đi trấn áp. Cuối cùng, Phương Lạp bại trận bỏ
chạy, bị một tên lính bắt được. Người đó họ Hàn, tên là Thế Trung.