động cũng làm cho huyện lệnh ngạc nhiên: hàng mấy nghìn đĩnh bạc chỉ
dành cho một vụ làm ăn.
Ông cho chép lại bức thư rồi thả người đưa thư, đến chiều Đào Cam nhìn
thấy y xuất hiện tại nhà Lâm Phiên.
Đến tối ngày thứ tư, trong khi đi dạo ngoài bờ sông, Kiều Thái bỗng chạm
trán với viên quản gia của Lâm Phiên. Chắc là gã vừa bơi ra theo đường
kênh qua thuỷ môn mà lính canh không nhìn thấy.
Giả vờ là đạo tặc, Kiều Thái đánh ngất viên quản gia rồi lục túi gã thấy một
bức thư. Y lấy thư đem về trình huyện lệnh. Bức thư này được gửi cho một
đại quan tại kinh thành, với lời lẽ mập mờ gợi ý về việc nên thuyên chuyển
ngay huyện lệnh Phổ Dương đi nơi khác. Kèm theo bức thư là ngân phiếu
trị giá năm trăm nén vàng!
Sáng hôm sau, một gia nhân của Lâm Phiên đem thư đến trình Địch Nhân
Kiệt. Bức thư thông báo rằng viên quản gia của Lâm Phiên vừa bị một tên
đạo tặc tấn công và cướp của. Huyện lệnh liền sai người niêm yết ngay một
thông báo, cho biết ông sẽ thưởng năm mươi đĩnh bạc cho bất cứ ai báo tin
cho biết về tên cướp hèn hạ kia. Sau đó ông đem bức thư do Kiều Thái lấy
được cất vào án quyển phòng khi cần đến.
Đây là dấu hiệu khích lệ đầu tiên kể từ lúc khởi đầu vụ án, nhưng sau đó
không xuất hiện thêm dấu hiệu nào nữa. Tuần thứ hai lại trôi qua mà chẳng
có gì mới cả.
Địch Nhân Kiệt hơi mất bình tĩnh một chút và trở nên bực bội. Một điều lạ
lùng là bỗng nhiên ông quan tâm đến những việc chuyển quân. Ông bắt đầu
nghiên cứu các thông tri của các huyện lệnh lân cận có liên quan đến việc
điều động quân đội. Thậm chí ông còn vun đắp mối quan hệ đồng liêu với
võ quan đóng tại thành, một nhân vật chán ngắt mặc dù có tài quân sự.