Tất nhiên, khi chúng ta đã lớn, tất cả đã qua. Có đúng thế không? Sai! Với
phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu đến nỗi nếu không
có ai xung quanh để trừng phạt họ khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt
đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Lúc nhỏ, hình thức
phạt có thể chỉ là: “Con hư quá, con sẽ không được ăn kẹo”. Hôm nay sự
việc này có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá nên sẽ không có tiền”.
Điều đó giải thích tại sao một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại
sao một số khác một cách vô thức tự phá hoại thành công của mình.
Không gì ngạc nhiên nhiều người gặp khó khăn trong việc đón nhận. Một
lỗi nhỏ xíu và bạn bị kết tội phải chịu gánh nặng khổ sở và cả đời nghèo
khó. Bạn nói: “Khắt khe quá” ư? Từ khi nào trí óc ta lại trở nên hợp lý và
trắc ẩn thế? Thực ra, tâm trí đã được định hình của họ có một ngăn hồ sơ
chứa đầy những sự việc cũ xưa trong quá khứ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận
chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và
thảm họa. Sự “có lý” không có ở đó.
Đây là điều tôi dạy trong các khóa học có thể làm các bạn cảm thấy dễ chịu
hơn. Trên thực tế, việc bạn cảm thấy xứng đáng hay không không thành vấn
đề, kiểu nào thì bạn vẫn có thể giàu lên. Rất nhiều người giàu không cảm
thấy hoàn toàn xứng đáng. Thật ra, một trong những động lực chính thúc
đẩy người ta làm giàu là vì họ muốn chứng tỏ bản thân và giá trị của họ cho
họ và cho người khác. Ý tưởng rằng gía trị bản thân là cần thiết cho việc có
giá trị tài sản chỉ là …một ý tưởng.
Như đã nói, việc làm giàu chỉ để chứng tỏ giá trị bản thân có thể không làm
bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, nên tốt hơn cả là bạn hãy làm giàu vì những
lý do khác. Chỉ có điều quan trọng bạn cần nhận ra rằng cảm giác không
xứng đáng của bạn sẽ không ngăn cản bạn hướng đến việc làm giàu. Dựa
trên một quan điểm khắt khe về tiền bạc thì việc này có thể thật sự là một
động cơ thúc đẩy rất hiệu quả.