Bây giờ, tôi chắc rằng đây không phải là lần đầu tiên bạn nghe lời khuyên
để dành 10% số tiền của mình cho mục tiêu đầu tư lâu dài, nhưng có thể là
lần đầu tiên bạn nghe nói rằng bạn phải có một tài khoản bằng như thế cho
mục tiêu ngược lại, được dành riêng cho việc tiêu xài và vui chơi.
Một trong những bí quyết lớn nhất để quản lý đồng tiền là sự cân đối. Một
mặt, bạn muốn để dành càng nhiều tiền càng tốt nhằm đầu tư và kiếm ra
nhiều tiền hơn. Mặt khác, bạn cần bỏ 10% khác từ thu nhập của bạn vào
một “tài khoản hưởng thụ”. Tại sao? Bởi vì con người là một thể thống
nhất. Bạn không thể chỉ tác động đến một phần cuộc sống của bạn mà
không tác động lên những phần khác. Một số người cứ để dành, để dành, để
dành, và đến khi cái tôi đầy trách nhiệm và lý trí đã được toại nguyện thì
phần “tinh thần bên trong” lại không thoả mãn. Cuối cùng, nhu cầu tìm
kiếm niềm vui sẽ lên tiếng: “Tôi không chịu được nữa. Tôi cũng muốn
được chú ý”, và nó bắt đầu hủy hoại các thành quả của bạn.
Ngược lại, nếu bạn chỉ biết tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài thì không những bạn
không bao giờ giàu lên được, mà phần trách nhiệm trong con người bạn rốt
cuộc cũng sẽ tạo ra các tình huống làm bạn thậm chí không thể tận hưởng
những thứ mà bạn chi tiền để có được, và bạn sẽ kết thúc với cảm giác mặc
cảm tội lỗi. Sự mặc cảm ấy sẽ khiến bạn tiêu xài quá độ một cách vô thức
như một cách thể hiện ra cảm xúc của mình. Mặc dù trước mắt bạn có thể
cảm thấy dễ chịu đôi chút, nhưng rồi bạn cũng sẽ quay về với cảm giác có
lỗi và xấu hổ. Đây là một vòng luẩn quẩn, và cách duy nhất để ngăn ngừa
nó là bạn phải học cách quản lý tiền của mình một cách hiệu quả.
Tài khoản vui chơi của bạn chủ yếu được sử dụng để nuông chiều chính
bạn, để làm những việc mà bình thường bạn không hay làm. Đó là dành cho
những thứ rất đặc biệt như đi ăn uống tại nhà hàng và gọi một chai vang hay
sâmpanh ngon nhất, hay thuê một chiếc du thuyền suốt một ngày, hay ở
trong một khách sạn hạng sang để tận hưởng một đêm đắm chìm trong niềm
vui và sự xa hoa.