Rồi chần chừ khoan đưa ra quyết định có mua hay không, hãy tự nhủ
“Mình sẽ suy nghĩ và trở lại vào ngày mai”. Tôi bảo đảm rằng 8/10 lần bạn
sẽ không quay lại mua món đồ đó vì bạn sẽ mau chóng quên ngay.
Cách tốt nhất để không nhiễm bệnh nghiện mua sắm là làm cho mình
luôn bận rộn với những việc có ích hơn – nhất là hoạt động tình nguyện.
Những người nghiện mua sắm thú nhận rằng họ có quá nhiều thời gian rảnh
để dán mắt vào tủ kính các cửa hàng. Người bận rộn với những công việc có
ý nghĩa sẽ không có thời gian phí phạm tiền bạc vào những món đồ linh tinh
không cần thiết.
4. Thanh lọc bớt thẻ tín dụng và chỉ giữ lại một
Bước tiếp theo khá đau đớn, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn giảm ít nhất
15%-20% chi phí hàng tháng. Thanh lọc bớt thẻ tín dụng của bạn và chỉ giữ
lại một. Có nhiều thẻ, bạn sẽ có cơ hội mua nhiều thứ hấp dẫn. Chỉ dùng một
thẻ trong giới hạn cho phép... và một lần nữa, trả toàn bộ số tiền nợ trong
thẻ.
5. Tính trước mình sẽ cần mua gì... và chỉ mua hàng giảm giá
Bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm được thêm 15%-25% nếu bạn tính trước mình
sẽ mua gì và chỉ mua khi có đợt giảm giá đặc biệt, lúc ấy hãy mua thật
nhiều. Bạn có nhớ ví dụ tôi nêu ở phần trước về Ingvar Kamprad, người
sáng lập ra IKEA không? Ông chỉ mua rau củ và trái cây vào buổi chiều, khi
giá đã giảm đáng kể.
Khi còn nhỏ, tôi để ý thấy cha tôi luôn mua kem đánh răng khi siêu thị có
đợt khuyến mãi đặc biệt. Ông sẽ mua đủ kem đánh răng dùng trong 6 tháng,
cho đến đợt giảm giá tiếp theo. Một người bạn của tôi mua quần áo hai lần
một năm, trong những đợt khuyến mãi toàn quốc. Vậy, hãy định trước bạn
cần mua gì trong 3-6 tháng tới và mua thật nhiều khi có đợt giảm giá.