Cha của đứa bạn thân nhất của tôi giúp tôi có được công việc đầu tiên.
Ông mở một đại lý bán văn phòng phẩm và muốn lũ nhóc chúng tôi đi gõ
cửa từng công ty để bán văn phòng phẩm vào kỳ nghỉ hè. Lúc đó tôi mới 13
tuổi. Bây giờ nhìn lại, chính những ngày tháng hàn vi đó đã cho tôi bài học
vượt qua sự xấu hổ và nỗi sợ bị từ chối – hai phẩm chất quan trọng để làm
giàu.
Ngoài việc bán văn phòng phẩm, tôi còn làm DJ (disc jokey) cho một cửa
hàng bán băng đĩa lưu động. Công việc này khiến tôi tự tin hơn, vì tôi phải
học cách nói năng lưu loát và chọc cười thiên hạ. Từ bé tôi đã thích ảo thuật,
chẳng là tôi là fan ruột của ảo thuật gia lừng danh David Copperfield mà.
Dành dụm được đồng nào tôi đều dùng để mua “bí kíp ảo thuật” và thực
hành cho tới khi thuần thục.
Tôi ra mắt trước công chúng lần đầu khi mẹ tôi khuyến khích tôi trổ tài
ảo thuật trong buổi lễ “tốt nghiệp” mẫu giáo của đứa em họ. Lần ấy tôi biểu
diễn để góp vui chứ không có thù lao, nhưng chính kinh nghiệm đó giúp tôi
tin rằng mình có thể kiếm tiền bằng “tài lẻ” này. Thế là tôi thêm “nghề ảo
thuật tay trái” vào danh sách các kỹ năng kiếm tiền của mình. Tôi lấy 40 đô
cho hai giờ biểu diễn, phần lớn khán giả của tôi là các em bé mẫu giáo, học
sinh tiểu học và bạn bè của gia đình, những người muốn đãi tiệc cho con em
họ.
Chắc bạn tự hỏi làm sao tôi có thể học hành thi cử tốt, trong khi bươn
chải kiếm tiền như vậy? Thật ra, hồi học tiểu học, trước khi bắt đầu kiếm
tiền, tôi là một học sinh cá biệt: lười biếng, dốt nát, không có ý chí phấn đấu,
khoái rong chơi quậy phá hơn là chuyên chú học hành. “Thành tích” của tôi
không tồi, tôi bị đuổi học vào năm lớp ba (lúc 9 tuổi) còn kết quả thi tốt
nghiệp cấp một thì kém đến nỗi cả sáu trường cấp hai mà cha mẹ tôi đâm
đơn xin học cho con trai đều từ chối.
Cuối cùng, tôi bị xếp vào một trường cấp hai làng nhàng trong vùng. Tôi
tiếp tục thi lại gần như tất cả các môn học, và “đội sổ” trong toàn trường.