tài sản của họ thì khiến nhiều người phải ghen tị. Tại sao ư, lý do duy nhất là
họ hiểu rõ vòng xoay của đồng tiền, trong khi phần lớn mọi người, trong đó
có cả những người rất giỏi giang trong học tập, lại không học được điều đó.
Điều không may là không một ngôi trường nào dạy học sinh làm sao để
kiếm tiền, đầu tư như thế nào và quản lý tài sản ra sao để nó sinh sôi nảy nở,
trong khi tiền bạc lại là thứ quan trọng nhất giúp chúng ta thực hiện những
mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. Mặc dù nhiều triết gia dạy rằng, “Tiền
không phải là tất cả”, “Tiền bạc không mang lại hạnh phúc” nhưng điều đó
chỉ đúng một nửa. Để thành công trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống
như sức khỏe, các mối quan hệ, gia đình, chúng ta cần phải có một sự bảo
đảm về tài chính!
Có một nền tảng tài chính vững vàng có nghĩa là được TỰ DO, được giải
phóng khỏi các chủ nợ hoặc các chồng hóa đơn đòi thanh toán. Để sống một
cách đúng nghĩa, bạn cần có đủ tiền nuôi bản thân và gia đình, trả cho những
nhu cầu căn bản và thỉnh thoảng cho phép mình hưởng thụ những thứ xa xỉ.
Điều đó có nghĩa là được “tự do” nghỉ việc, rời bỏ công ty, “tạm biệt” ông
chủ, không phải làm chung với người mình không ưa, và có quyền làm công
việc mình muốn, một việc có ý nghĩa và đem lại sự thỏa mãn cá nhân. Có lẽ
trên đời không ai bàn cãi về nhu cầu có đủ tiền cho bản thân mình.
Nền giáo dục truyền thống (cũng may là đang có dấu hiệu thay đổi)
không bao giờ dạy chúng ta làm giàu, thay vì thế nó dạy ta những khái niệm
giáo điều khiến chúng ta phải cám ơn cuộc đời vì sự nghèo khó của mình.
Trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, thông qua các phương tiện truyền
thông, chúng ta được dạy rằng, “Hãy học chăm, đạt điểm cao, có công việc
tốt và thế là cuộc đời sẽ nở nụ cười với bạn”. Rằng, “Đầu tư là rủi ro”,
“Đừng làm bộ tài khôn”, “Chớ có chơi cổ phiếu nếu không muốn tán gia
bại sản”, “Đam mê kiếm tiền là xấu”, “Bọn giàu có rặt một lũ người xấu”
hoặc “Đừng có ky ky cóp cóp làm giàu”.