Mỗi lần tiến hành cuộc điều tra này, tôi đều phát hiện đi phát hiện lại một
sự thật rằng, những người có nhiều dấu V hơn thường thành công hơn những
người có nhiều dấu X hơn. Ta hãy tạm chia con người ra làm hai dạng. Dạng
người có cách suy nghĩ thành công và dạng người nghĩ mình là nạn nhân.
Những lý do bạn đưa ra cho thấy bạn suy nghĩ như một người Thành Công
hay như một Nạn Nhân.
Thật đáng tiếc, phần lớn mọi người có cách nghĩ của Nạn Nhân, chính
điều này trói chân trói tay họ, không cho phép họ làm bất cứ điều gì để cải
thiện tình hình. Khi không đạt được kết quả mong muốn, Nạn Nhân thường
viện cớ: “May mắn quay lưng lại với tôi”, “Tôi chẳng có kinh nghiệm gì”,
“Tôi quá già nên không kiếm được nhiều tiền hơn”, “Tôi quá trẻ nên không
thể làm giàu”, “Tôi không có vốn”, “Nhà tôi nghèo thế mà” hoặc “Tôi
không có óc sáng tạo”... Tất cả những lý do trên đều không có cơ sở, chúng
ta ai cũng biết rất nhiều người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đã thành
công, bất chấp mọi khó khăn trở ngại.
Nạn Nhân có khuynh hướng đùn đẩy trách nhiệm, rằng những việc bất
toàn, không như ý của họ là do người khác hoặc hoàn cảnh khách quan chứ
không phải do bản thân họ. Khi hỏi tại sao Nạn Nhân không giàu, họ sẽ đưa
ra một lô lý do như, “Tại sếp không tăng lương”, “Chẳng ai tạo cơ hội cho
tôi”, “Gia đình ngăn cản tôi”, “Thị trường chứng khoán đi xuống làm tôi
mất tất tần tật”... Thế là thay vì tìm cách xoay chuyển tình hình, Nạn Nhân
chỉ ngồi đó than thân trách phận.
Vấn đề là ở chỗ, khi bạn tìm cách bào chữa cho bản thân, đổ lỗi cho
người khác và luôn miệng oán thán thì điều đó có nghĩa là có một ai đó hoặc
một điều gì đó đang điều khiển cuộc sống và sản nghiệp của bạn. Khi bạn
nghĩ rằng mình chẳng có lỗi gì thì đồng thời bạn cũng chẳng có năng lực để
thay đổi cục diện. Nếu bạn suy nghĩ như một Nạn Nhân, khư khư tin rằng
những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn thì dù bạn
có học chiến lược làm giàu gì đi nữa cũng chỉ vô dụng mà thôi!