CHƯƠNG 1
THÙNG RỖNG KÊU TO… NHƯNG KHÔNG VANG
TÁC GIẢ: QUÁCH TUẤN KHANH
Thực tế cho thấy, khả năng nói chuyện và trình bày của nhiều người Việt
Nam không được tốt. Nguyên nhân lớn thuộc về đặc điểm văn hóa nói
chung, mà cụ thể là do giáo dục. Người Việt chúng ta ngay từ nhỏ đã được
dạy rằng: phải biết “kính trên nhường dưới,” “im lặng là vàng,” phải “nghe
nhiều hơn nói,”… Tôi nhớ hồi bé đã được học: con người chỉ có một cái
miệng nhưng có đến hai cái tai, vì vậy, chúng ta phải lắng nghe nhiều hơn
nói. Trong gia đình thì con cái phải nghe theo lời dạy bảo của ông bà cha
mẹ “con cãi cha mẹ trăm đường con hư.”Trên lớp thì phải nghe lời thầy cô,
nói hay làm điều gì khác thường thì bị liệt vào dạng cá biệt.
Nói là một cách để thể hiện bản thân, suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng,
khao khát, mong muốn của mình nhưng ngay từ nhỏ, chúng ta không có cơ
hội để rèn luyện, thực hành thì làm cách nào để nói tốt được (đó là chưa kể
sự thui chột đi ít nhiều về mặt tư duy, nhất là tư duy phản biện, tư duy sáng
tạo…).
Khi đã trưởng thành, có nhiều mối quan hệ xã hội và công việc, hầu hết
chúng ta đều nhận ra rằng, những ai có lợi thế trong trình bày sẽ có nhiều cơ
hội thành công hơn trong mọi vấn đề. Nhưng rồi chúng ta lại phải đối diện
với một vấn đề mới: “Thùng rỗng kêu to!”
Không thể nói hay… không có gì để nói
Khi bạn nói lên ước mơ của mình, nhất là những ước mơ lớn, ngay lập
tức, thiên hạ sẽ ném cho bạn những cái nhìn đầy hoài nghi, thậm chí bạn bị