- Vâng. Hội Tam điểm bị chinh phục bởi tất cả các loại huyền tích kỳ cục.
- Rõ ràng ông không tin rằng có một kim tự tháp như thế tồn tại.
- Dĩ nhiên là không rồi, - Langdon đáp - Không hề có bằng chứng gì cho
thấy các bậc tiền bối hội viên Tam điểm của chúng ta đã xây dựng một loại
kim tự tháp nào đó ở nước Mỹ, càng không thể ở Washington D.C. này. Rất
khó giấu được một kim tự tháp, đặc biệt là một cái đủ lớn để chứa được toàn
bộ tri thức đã bị thất truyền của mọi thời đại.
Theo lời Langdon, truyền thuyết chẳng bao giờ giải thích chính xác xem cái
gì nằm bên trong Kim Tự tháp Hội Tam điểm - dù đó là những văn bản cổ,
những văn tự huyền bí, những phát kiến khoa học, hay cái gì đó bí hiểm hơn
thế nữa - nhưng huyền tích thật sự nói rằng thông tin quý giá bên trong được
mã hoá rất khéo léo…và chỉ ai có tâm hồn khai sáng nhất mới đủ sức thấu
hiểu.
- Nhưng dù sao - Langdon tiếp - câu chuyện này rơi vào một thể loại mà giới
biểu tượng học chúng tôi gọi là một “lai tạp nguyên mẫu”, một hình thức pha
trộn của những huyền tích kinh điển, vay mượn thêm nhiều yếu tố từ kho
tàng thần thoại đến mức nó chỉ có thể là một sản phẩm hư cấu… không thể
là sự thật lịch sử được.
Khi dạy sinh viên về các lai tạp nguyên mẫu, Langdon sử dụng ví dụ là các
truyện thần tiên, được kể lại qua nhiều thế hệ và phóng đại dần theo thời
gian, vay mượn rất nhiều của nhau để trở thành những câu chuyện đạo lý với
những yếu tố ước lệ tương tự - những thiếu nữ đồng trinh, các hoàng tử đẹp
trai, những toà lâu đài bất khả xâm phạm, và những phù thuỷ hùng mạnh.
Nhờ các câu chuyện thần tiên, trận chiến “thiện và ác” bám rễ trong chúng ta
từ thời còn thơ ấu thông qua các câu chuyện: Merlin chống lại Morgan le