- Lần sau ra đường, anh nhớ mang theo áo mưa và mặc thêm áo ấm!
Thấy Tài Khôn lên giọng chị hai, Thường bật cười khẽ và thò tay cốc cho
cô bé một phát.
Những người bán dạo sợ nhất trời mưa . Đó là những ngày buồn. Mưa,
đường sá lầy lội, hàng quán ướt át. Kéo theo nó là vắng khách, ế hàng.
Nhưng may làm sao, gần đến giờ ra chơi thì mưa bỗng dứt hạt. Trời chỉ hơi
hửng lên một chút nhưng cũng đủ khiến những người nép mình dưới hàng
hiên lật đật chạy bổ ra ngoài với vẻ mặt hớn hở.
Thường đẩy xe đạp ra ngoài và đưa tay sửa lại tấm giấy dầu . Khi chạm tay
lên cây kẹo, mặt anh bỗng thoáng vẻ lo âu . Hôm nay chú Kiến nấu đường
hơi già tay nên cây kẹo không được dẻo . Hồi đầu giờ, Thường đã nhận ra
điều đó khi anh phải dùng sức nhiều hơn để kéo kẹo cho lũ trẻ. Sau cơn
mưa, cây kẹo trở nên rắn hơn. Cũng như người, nó co lại khi gặp lạnh.
Thường bặm môi kéo thử và đúng như anh lo ngại, phải rất vất vả anh mới
khiến nó nhúch nhích một tí ti .
Cho đến khi tiếng kẻng ra chơi vang lên, các khách hàng tí hon bu lại thì
Thường thật sự lúng túng. Anh kéo đến mỏi tay, mồ hôi ra đẫm trán, nhưng
những tiếng thúc giục vẫn không ngừng vang lên bên tai:
- Bán cho em ba trăm!
- Em nữa! Em năm trăm!
- Sao bữa nay anh kéo chậm rì vậy!
Thậm chí có cả giọng hờn dỗi:
- Thôi, em không ăn kẹo kéo nữa! Em đi mua ô mai đây!
Thường chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ kéo từng chút, trán nhăn lại vì nhọc sức và
vì áy náy trước sự chậm chạp của mình.
Chỉ đến khi tiếng kẻng vang lên kéo những khách hàng nhẫn nại đang đứng
quanh Thường với tờ giấy bạc cầm lăm lăm trên tay vào lớp, anh mới thoát
khỏi tâm trạng bứt rứt, nặng nề. Thường thở một hơi dài, cảm thấy mười
lăm phút vừa rồi sao mà dài dằng dặc.
Đã vậy, mưa vừa mới ngớt lại bất thần đổ ập xuống, nặng hạt hơn và tầm tã
hơn.
Đứng dưới mái hiên, Thường sờ tay vào cây kẹo, buồn bã nói với Tài