đang tuổi đi học phải đi làm thêm, điều đó làm bà áy náy, cảm thấy, cảm
thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với con cái . Nhưng mặt khác, với
món tiền đầu tiên kiếm được, Thường đem đến cho bà cảm giác rằng anh
đã trưởng thành, đã tỏ rõ vai trò của một người đàn ông trong gia đình và
nhất là Thường đã làm tất cả những điều đó với phong cách lặng lẽ nhưng
quả quyết, hệt như ông Phong lúc còn sống. Sự so sánh lạc quan đó đã giúp
bà Tuệ nhanh chóng xua tan những lợn cợn trong đầu . Bà dịu dàng đặt tay
lên vai Thường, trầm giọng, nói ngắn gọn:
- Dù sao con cũng phải lo giữ gìn sức khỏe và cố gắng học tốt!
Thường dạ khẽ.
Như sực nhớ ra, bà Tuệ nói thêm:
- Và dạy tốt nữa!
Thường lại dạ, không nén nổi vui mừng. Khi mẹ đã dặn anh "dạy tốt" có
nghĩa mẹ đã mặc nhiên đồng tình với việc làm của anh. Mẹ đã không còn lo
lắng nhiều về anh nữa . Trong suốt một tháng qua, vừa đi bán, Thường vừa
sắp xếp thời gian để học bài, ôn tập cẩn thận nên kết quả học tập của
Thường ở lớp không bị ảnh hưởng gì. Chính mẹ đã nhận thấy điều đó.
Nhưng điều khiến Thường sung sướng nhất, một niềm sung sướng không
bờ bến, là kể từ khi có thêm phần đóng góp của Thường, sau nhiều ngày
lưỡng lự, bà Tuệ đồng ý nghỉ một buổi dạy thêm trong ngày theo đề nghị
khẩn thiết của Thường và Nhi .
Thế là một tuần sau ngày "lãnh lương" của Thường, bà Tuệ chỉ còn dạy
một ngày hai buổi sáng và tối thay vì kín đặc cả ba buổi như trước đây .
Thường đề nghị mẹ nghỉ dạy buổi tối, chỉ giữ lại buổi chiều nhưng bà Tuệ
không chịu . Bà bảo học sinh buổi chiều là học sinh các trường phổ thông
đi học thêm, không người này thì người khác nhận dạy, giáo viên thừa chứ
không thiếu . Còn các lớp bổ túc ban đêm thù lao thấp, giáo viên ít nên
không thể nghỉ dạy được. Hơn nữa, học trò các lớp đêm hầu hết là những
người có hoàn cảnh khó khăn, vì lý do nào đó mà thất học hoặc không có
điều kiện theo học các trường lớp chính qui, vì vậy bà không đành bỏ họ.
- Những người này họ còn khổ hơn mình, con ạ!
Bà Tuệ ngậm ngùi kết luận. Nghe vậy, Thường mới thôi nằn nì. Anh hiểu