[5] Flinders Petrie (1853-1942), nhà Ai Cập học người Anh, tiên
phong phương pháp hệ thống trong khảo cổ, chủ tịch ngành Khảo cổ học
đầu tiên ở nước Anh.
[6] Mark Twain, tên thật Samuel Langhorne Clemens (1835-1910),
nhà văn, nhà báo, nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ, tác giả các cuốn sách:
“Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, “Hoàng tử và kẻ ăn mày”,
“Cuộc sống trên dòng Mississipi”...
“Có cả Mark Twain ư?” Dan tò mò.
“Hắn là một Janus,” Bae lại khịt khịt mũi. “Hậu duệ của Jane rặt một
lũ ba hoa. Mãi cho đến khi Howard Carter bắt tay vào thực hiện thì bọn ta
mới thấy được bức tượng thứ hai. Hết ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, hết
cuộc khai quật này đến cuộc khai quật khác. Ông chạy đua với Flinders
Petrie.”
“Một nhà khảo cổ lừng danh khác,” Amy lên tiếng. “Ông ấy là Lucian
ư?” nó đoán.
Bae gật đầu. “Lẽ dĩ nhiên, Ekat là chi giành chiến thắng. Carter đã tìm
thấy bức tượng. Là nó đây, với đôi mắt làm bằng ngọc lục bảo. Chỉ có một
vấn đề. Bức tượng này hoàn toàn đặc. Bọn ta không tìm được cách mở nó
ra. Nó giống hệt với các tượng Sakhet khác, nhưng lại không có khe bí mật
nào cả. Bọn ta chắc chắn về điều này. Vậy câu trả lời là gì? Phải chăng vẫn
còn một bức tượng Sakhet khác? Chắc chắn là thế. Đích thân ta, khi hãy
còn là một gã trai trẻ, ta chỉ biết tìm và tìm nó. Ta lui đến từng cửa hiệu ở
Cairo. Tìm bằng hết từng catalog bán đấu giá hiện vật, đến gặp từng kẻ
buôn hàng chợ đen một. Và một ngày nọ, ta đã tìm thấy bức tượng thứ ba.”
Bae nhìn bức tượng bằng một vẻ sùng kính. “Bức tượng mắt xanh thực sự
là một báu vật.”