Trước tình hình này, Lênin chủ trương: tiếp tục đàm phán và trì hoãn
việc ký hoà ước. Ngày 24/1/1918 hội nghị Ban chấp hành Trung ương với
đa số biểu quyết đã thông qua công thức do Trotski đề xuất: "chấm dứt
chiến tranh, giải giáp quân đội, không ký hoà ước". Và tại bàn đàm phán
với quân Đức tháng hai năm 1918, Trotski đã tuyên bố về lập trường đó.
Điều này đã khuyến khích quân Đức - Áo - Hung chuyển sang phản công.
Trước tình thế nguy ngập, Lênin chỉ thị phải ký hoà ước bằng mọi giá.
Dzerjinski cùng một số ủy viên Trung ương phản đối, coi đó là sự đầu
hàng. Nhưng cuối cùng khi Trung ương biểu quyết, Dzerjinski cũng không
bỏ phiếu chống, mà cùng với Trotski bỏ phiếu trắng, do đó mà Lênin đã
thông qua được nghị quyết về ký hoà ước. Hoà ước Brest-Litov đã được ký
ngày 3/3/1918.
Bất bình nhất với hoà ước Brest-Litov là đảng Xã hội cánh tả, khi đó còn
là đồng minh của đảng Bônsêvich.
Ngày 6/6/1918, tại Đại hội II của các Xô viết; họ đã công khai rời bỏ
phòng họp và tập trung tại trụ sở của Đảng.
Hai giờ chiều hôm đó, hai cán bộ của SK người của đảng xã hội cánh tả
là Bliumkin và Andreev đến sứ quán Đức, xuất trình giấy giới thiệu có ký
tên Dzerjinski và đóng dấu, yêu cầu được gặp Đại sứ Đức.
Khi Đại sứ Đức ra, họ liền giết luôn.
Lênin biết tin, gọi điện ngay cho Dzerjinski.
Dzerjinski bèn tức tốc đến Đại sứ quán Đức, rồi từ đó đến thẳng đơn vị
SK bị nghi ngờ là có những kẻ giết Đại sứ Đức đang ẩn náu. Chỉ huy
trưởng đơn vị đó là Popov, một người xã hội cánh tả, không những không
trao hai cán bộ kia, mà lại còn bắt luôn cả Dzerjinski.
Lênin đã chỉ thị tạm đình chỉ công tác của Dzerjinski để điều tra sự việc.
Và Dzerjinski đã tạm thời bị mất chức cho đến tháng 8 năm đó (năm 1918).
Những người Xã hội - dân chủ muốn chứng tỏ cho những người
Bônsêvich, và nhân thể cho Đức thấy sức mạnh của họ, để từ đó thúc đẩy
phong trào cách mạng ở Đức. Họ chân thành tin rằng chủ nghĩa xã hội
không thể thắng lợi được nếu không có sự ủng hộ của cách mạng thế giới.