Bộ An ninh quốc gia quyết định tuyển mộ Jelenkov để thực hiện việc
giết Vlassov. Kế hoạch chiến dịch do chính Bộ trưởng Merculov phê duyệt.
Báo "Tuyệt mật" năm 1996 đăng những tài liệu lưu trữ quốc gia liên
quan đến việc tổ chức tiếp cận Vlassov.
Các chiến sĩ an ninh đã gặp vợ Jelenkov và bảo bà viết một bức thư cho
chồng. Trong thư có nói cho Jelenkov biết tình hình là gia đình vẫn yên ổn
không bị bắt bớ, nhưng mọi sự sẽ phụ thuộc vào ông ta. Nếu ông ta giúp
tiêu diệt Vlassov thì ông ta và gia đình sẽ được bảo vệ.
Merculov ra lệnh sử dụng mọi khả năng của cơ quan an ninh trong các
vùng bị chiếm đóng, tìm những người có thể cộng tác để nắm được bộ xậu
gần gũi Vlassov, những chỗ yếu của hệ thống bảo vệ Vlassov và tuyến
đường đi lại của ông ta.
Nhưng An ninh Liên Xô đã không giết được Vlassov.
Vả lại, Merculov và Bộ An ninh quốc gia cũng không dám và không thể
phân tích được nguyên nhân thật sự của hiện tượng Vlassov và các tù binh
chạy sang hàng ngũ Đức.
Trong chiến tranh, 5.240.000 người lính Hồng quân đã bị Đức bắt làm tù
binh, trong đó có 3,8 triệu người bị bắt ngay trong mấy tháng đầu chiến
tranh. Liên Xô không công nhận khái niệm "bị bắt làm tù binh", mà chỉ có
những kẻ "đào ngũ, phản bội Tổ quốc" và "kẻ thù của nhân dân". Lệnh số
270 ngày 16/8/1941 do Stalin ký yêu cầu các chiến sĩ Hồng quân trong mọi
tình huống phải chiến đấu đến cùng, không được để bắt làm tù binh. Các sĩ
quan chỉ huy có quyền bắn chết những ai chọn bị bắt làm tù binh hơn là
chết. Điều 58 Bộ Luật hình sự Cộng hoà liên bang Nga cho phép đưa ra toà
thân nhân của những chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh và đưa họ đi
đày ở Sibir.
Những qui định nghiêm khắc đó mục đích là để ngăn việc bị bắt làm tù
binh, nhưng đã dẫn đến những kết quả ngược lại. Những người đã bị bắt
làm tù binh sợ trở về Tổ quốc, nơi họ bị coi là những kẻ phản bội. Như thực
tế đã chứng minh, năm 1945, những tù binh Liên Xô được thả ra khỏi nhà
tù của phát xít Đức để lại bị đưa vào trại cải tạo Liên Xô. Do đó, nỗi sợ của
họ không phải là không có cơ sở.