Qua sáu ngày chiến đấu, nghĩa quân có đơn vị hi sinh gần hết. Địch
đông quân, đạn dược đầy đủ, ngày càng mạnh hơn, rồi chuyển thế áp đảo...
Đội Cấn lệnh cho anh em rút ra ngoài. Song liên lạc khó khăn, có đơn vị
không nhận được lệnh rút, cứ chiến đấu đến người cuối cùng. Đội nghĩa
quân do Cai Phong chỉ huy và Lập Nham làm tham mưu, cũng không nhận
được lệnh rút. Cai Phong chỉ còn sáu nghĩa quân cùng chiến đấu. Số tử
vong và bị thương nằm la liệt gần bên. Lập Nham không đứng được nhưng
vẫn ngồi, tay cầm súng lục còn mấy viên đạn. Ông tựa vào một gốc cây,
nhằm bọn địch từ dốc đồi bò lên đánh vào lưng Phong. Hai tên địch vừa ló
mặt liền bị ông nổ súng. Đứa chết, đứa bị thương lăn lông lốc. Bọn còn lại
chĩa súng vào Nham. Nham trúng đạn giữa ngực, tay vẫn cầm súng. Cai
Phong và nhóm nghĩa quân còn lại vẫn đánh địch cả phía trước, phía sau,
rồi hi sinh tất cả.
Mất Nham, Đội Cấn vẫn cùng nghĩa quân rút vào phía núi Tam Đảo,
rồi xuống Vĩnh Yên, Phúc Yên... Địch truy kích ráo riết. Cấn đưa anh em
trở lại Thái Nguyên. Trên đường rút, suốt bốn tháng ròng, tới đâu cũng bị
địch đánh.
Biết Cấn lánh vào rừng, địch đánh đòn tâm lý, bắt mẹ và vợ Cấn đến
gọi Cấn về. Cấn lánh cả vợ lẫn mẹ. Còn hai chục nghĩa quân, ông tiếp tục
chiến đấu khi gặp địch.
Ngày 10-1-1918, Cấn bị thương ở đùi, không thể đi lại. Chỉ còn hai
nghĩa quân tùy tùng nhưng đều quá mệt nhọc, hết sức chiến đấu. Cấn nói
với anh em: - Các anh đào một cái huyệt cho tôi nằm xuống. Khi tôi chết,
các anh phủ đất! Huyệt đào xong, Cấn nằm xuống, dùng súng lục tự sát.
Vài nơi khác, nghĩa quân còn lại vẫn lẻ tẻ chiến đấu thêm hai tháng
nữa. Họ đã "Thề chết, không hàng!". Khi Đội Giá bị bắt, mới chấm dứt
cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên.
Riệu kể xong chuyện trên, ngừng một lúc lâu, rồi tiếp giọng bùi ngùi: