họ. Tờ giấy xác nhận ly hôn không phải là tấm bằng cho phép cha mẹ
ruồng bỏ con cái của mình.
Sự ra đi của cha mẹ tạo nên mất mát tổn thương và sự trống rỗng trong
lòng con cái. Hãy nhớ trẻ em luôn cho rằng nếu có điều gì tiêu cực xảy ra
trong gia đình thì đó là lỗi của chúng. Đặc biệt, con cái của những cặp vợ
chồng ly hôn thường dễ rơi vào niềm tin này. Những bậc phụ huynh biến
mất khỏi cuộc đời con mình càng củng cố cảm nhận về sự vô hình và phá
hoại lòng tự trọng của con, khiến chúng mang nặng những cảm giác này
cho tới khi trưởng thành.
Những điều họ không làm gây tổn thương hơn
cả
Dễ dàng để nhận ra sự bạo hành khi cha mẹ đánh đập trẻ hay buộc
chúng phải nghe những lời mắng nhiếc không ngớt. Song những cặp cha
mẹ độc hại hay chưa hoàn thiện thường rất khó định nghĩa và để hiểu về
họ. Khi một cặp cha mẹ gây ra những tổn hại thông qua sự thiếu sót thay vì
nghĩa vụ - qua những điều họ không làm thay vì những gì họ làm - thì kết
nối các vấn đề ở tuổi trưởng thành của con với kiểu cha mẹ độc hại này rất
khó có thể nhận thấy. Bởi những đứa trẻ của các bậc cha mẹ này thường
phủ nhận những kết nối đó, nên công việc của tôi trở nên đặc biệt khó khăn.
Có một thực tế là nhiều cặp cha mẹ gặp quá nhiều rắc rối đến mức họ
làm dấy lên lòng thương hại của con trẻ. Bởi vì những cặp đôi này thường
cư xử như những đứa trẻ tuyệt vọng hay vô trách nhiệm, nên những đứa
con trưởng thành của họ lại cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ. Họ lao
đến phòng thủ cho cha mẹ, như một nạn nhân xin lỗi cho kẻ phạm tội.
Dù cho đó là “họ không cố ý gây ra bất cứ tổn hại nào”, hay “họ đã
làm những gì tốt nhất có thể”, thì những lời biện hộ đó cũng che lấp đi sự
thật rằng các bậc phụ huynh đó đã từ bỏ trách nhiệm với con cái mình.